HCM Một cuộc đời

Review cuốn sách ở đây. Bài viết này chỉ là suy nghĩ cá nhân.

Thế là sau 2 năm tôi đã hoàn thành cuốn sách này của William J. Duiker về cuộc đời HCM. Tôi đã lần lữa mãi cho tới tận cuối năm nay, chỉ vì lười đọc sự viết siêu tỉ mỉ chi tiết của Duiker. Ông liệt kê ra không biết bao nhiêu là cái tên và các giấy tờ thư từ tài liệu liên quan. Chưa kể tôi phải giở đi giở lại phần nguồn để tra cứu, đâm ra lâu kinh khủng.


Nhưng rất đáng. Các chi tiết đó được sắp xếp và phân tích theo một cách khiến cho cuốn tiểu sử trở thành một câu chuyện rất có hồn. Tôi tưởng như mình đang cùng tác giả lần theo từng dấu chân một của HCM, đi khắp từ nơi nay tới nơi khác, bôn ba, phiêu bạt khắp châu Âu, đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần từ Nga xuống TQ rồi Đông Dương rồi lại TQ rồi lại Nga rồi lại TQ; đối mặt với hết những thế lực này tới thế lực khác, thuyết phục người, thương thuyết người, xin xỏ người, ngoại giao với người, lúc lên lúc xuống. Một cuộc đời không dễ dàng.



 

Có một phần cuối của cuốn sách thế này mà tôi đặc biệt ấn tượng vì nó quá giống với những gì tôi nghĩ sau khi đọc xong nửa đầu cuốn sách. Đó là khi HCM trả lời câu hỏi của Charles Fenn, nhân viên tình báo của Mỹ vào 1945 thế này (tôi dịch tạm):

Trước hết, ông phải hiểu rằng để giành được độc lập từ một thế lực mạnh như Pháp là một việc vô cùng khó khăn mà sẽ chẳng th đạt được nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, không nhất định chỉ giúp đvề mặt vũ trang, mà còn đơn giản là tư vấn hay tạo các mối quan hệ quốc tế. Anh không chỉ giành độc lập từ việc ném bom hay đại loại như vậy. Đó là sai lầm mà những nhà kháng chiến thuở đầu mắc phải quá nhiều. Anh phải giành được nó thông qua sự có tổ chức, tuyên truyền,việc  đào tạo và xây dựng kỷ luật. Anh cũng cần phải có... một hệ tư tưởng, một cuốn cẩm nang, một hệ thống phân tích thực tiễn, hay ông có thể nói là thậm chí một cuốn kinh thánh. Marxism-Leninism cho tôi cái khuôn khổ đó. (Duiker, 570)
Đọc cả cuốn sách và tôi nhận thấy HCM hành động tất cả với một cái nhìn rất thực tiễn như vậy. HCM hiểu rõ VN là một nước quá nhỏ, nghèo, yếu, và chậm tiến rất nhiều. Các lực lượng trí thức và tiên tiến còn quá ít. Quân lực Pháp thì còn rất mạnh, và sau đó là Mỹ. Ông, vì vậy, muốn dựa vào chính trị, thương thuyết để tiến hành dựng độc lập hơn là vũ trang như chúng ta ấn tượng bởi hai cuộc chiến tranh. 




Tôi đã thử nghĩ thế này, tiền đâu ra để hoạt động dân tộc chủ nghĩa? Ai tự nhiên cho không mình tiền? Ai tự nhiên cho mình vũ khí đạn dược và lương thực? Kiến thức quân sự ở đâu mà ra? Rèn luyện và kinh nghiệm bao nhiêu năm từ một nền kinh tế non nớt để chống lại được tối tân và kỷ luật của Pháp? Cứ cho là có tiền và các dụng cụ ấy đi, ai chịu đánh nhau? Vì lẽ gì? Thuyết phục người như thế nào, và rồi có được độc lập thì làm gì? Quyền lợi cho ai? Rồi ai trên chính trường quốc tế công nhận mình? Một con cá quá nhỏ giữa dòng nước lũ.


HCM bỏ ra cực kỳ nhiều nỗ lực tìm nguồn trợ giúp, đồng minh, sử dụng đưa đẩy họ bằng mọi cách có thể để đem lại lợi ích về cho VN, vô cùng tinh tế là khôn khéo. Duiker nói có người cho HCM là một kẻ cơ hội. Tôi nghĩ cũng đúng, nhưng ông sử dụng mọi cơ hội để giành hòa bình và độc lập, hơn là chỉ để gây dựng cho cá nhân. Ông trên hết là một người thực tiễn. Vào thời điểm đó có lẽ Marx-Lenin là một sự lựa chọn hấp dẫn, cộng thêm HCM quan sát thấy sự khổ ải từ nền tư bản ở các nước thuộc địa hiện thời trên thế giới. Hệ tư tưởng ấy có vấn đề, nó có thể trở nên cực đoan, quá khích, đúng vậy. Nhưng ở một mức độ nào đó vào thởi điểm ấy nó chấp nhận được, và dù sao HCM đã uốn nắn nó rất nhiều để nó ôn hòa hơn. 


Nhưng có lẽ đây cũng là một vấn đề mà Duiker đã chỉ ra trong con người HCM. Ông sử dụng lý trí và lập luận để thuyết phục người hơn là thể hiện một thái độ cương quyết và cứng rắn. Kết quả là từ những năm 50 trở đi, tầm ảnh hưởng của ông trong bộ máy cầm quyền giảm sụt nhanh chóng, và ông đóng vai trò làm ngoại giao là chính và thêm vào đó là tạo hình ảnh, sức mạnh tinh thần. Khi nói về hậu quả của cải cách ruộng đất cuối 50s và các chính sách khác, Duiker có một nhận xét thế này mà tôi cũng thấy rất hay:

Perhaps the most that can be said is that HCM had become a prisoner of his own creation, a fly in amber, unable in his state of declining influence to escape the inexorable logic of a system that sacrificed the fate of individuals to the "higher morality" of the master plan.
(Dịch tạm):Có lẽ điều duy nhất có thể rút ra đó là có lẽ HCM đã trở thành tù nhân của chính tác phẩm của mình, một chú ruồi kẹt trong tấm hổ phách, bất lực trong khi tầm ảnh hưởng đi xuống dần, không thể thoát ra  khỏi cái logic không tài nào lay chuyển nổi của một hệ thống đòi hỏi phải hi sinh số phận cá nhân cho giá trị đạo lý "cao" hơn của một kế hoạch vĩ đại hơn.
Hệ tư tưởng mà HCM sử dụng đem lại nhiều kết quả lịch sử mà khó có thể đánh giá hết. Và bản thân tôi càng không thể có khả năng nhận xét gì. Nhưng câu chuyện về HCM và câu chuyện về VN là một câu chuyện rất đáng đọc.


Comments

Popular Posts