Sử (P1)

Nửa năm không viết blog. Thế mà quay lại nghía vẫn thấy có người đọc. Ái ngại quá.

Nửa năm trôi qua có tỉ thứ diễn ra trong đầu, nhưng ngại đặt bút xuống. Viết là một việc quá đỗi vất vả, mà tôi không có năng khiếu, cũng chả đủ đam mê. Nhưng mà tiếc thật. Bởi có nhiều thứ học được, và tôi muốn chia sẻ. Thôi, từ giờ phải cố chăm lên mới được.



Dạo gần đây tôi có đang đọc một cuốn sử về Việt Nam, viết bởi Keith W. Taylor, là một giáo sư trong khoa Châu Á học của trường Cornell, Mỹ. (Cornell là một học viện hàng đầu trong nghiên cứu về châu Á, nhất là sử Đông Nam Á). Sách có tên "A History of the Vietnamese," tạm dịch là "Một câu chuyện sử về người Việt."

Nói vậy tôi muốn đề ra hai tính chất của cuốn sách. Thứ nhất, sách được viết bởi học giả, theo tôi, có thể nói là có uy tín, đáng tin cậy. Thứ hai, cuốn sách chỉ là "Một câu chuyện sử" (A History). Nó không ám chỉ rằng mình là cách duy nhất tiếp cận và hiểu quá khứ của người Việt.

Bài viết lần này chưa bàn tới cuốn sách này nói gì vậy. Tôi chỉ muốn đi vào hai tính chất nêu trên.





Chúng ta thường đề cao những nghiên cứu, những bài viết sử dựa trên tiêu chí nào? Có lẽ chắc không ít người sẽ đồng ý với tôi, tiêu chí quan trọng nhất là tính khách quan của người viết. Chúng ta tin rằng lịch sử phải thể hiện, phải truyền tài được chân thực nhất những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nhà sử học, nhiệm vụ quan trọng nhất, là đào bới lên tài liệu để tìm cho ra cái câu chuyện ngày xưa ấy.

Nhưng liệu có thể đạt tới sự "khách quan" tuyệt đối không? Liệu một con người, sinh ra trong một nền văn hóa nhất định, với những quan niệm và thái độ sống, các đức tin nhất định, có thể thực sự xóa tất cả những yếu tố ấy để đến với quá khứ thật "khách quan" hay không?

Sự phát triển của ngành sử trong thế kỷ 20 đã chấp nhận một sự thật là, không, không có cái gọi là khách quan tuyêt đối. Lý do phía trên chỉ là một trong rất nhiều yếu tố dài dòng mà tôi không biết hết mà cũng ngại kể hết ra đây. Nhưng theo tôi đó cũng là lý do dễ hiểu và quan trọng nhất. Sử không tự nhiên tồn tại, nó được viết bởi các sử gia, và vì thế bao giờ nó cũng chứa đựng trong nó những góc nhìn nhất định của sử gia đó. Ngay trong việc chọn viết về đề tài gì cũng đã dựa rất nhiều trên sự lựa chọn đầy chủ quan của người viết. Ví như chúng ta, tự nhiên muốn đọc sử của đất nước mình, là một điều dễ hiểu.

Chấp nhận không có sự tồn tại của sự khách quan tuyệt đối kia, một giấc mơ quá đẹp ("that noble dream"), tuy vậy, không có nghĩa là tất cả các câu chuyện sử được viết ra là hoàn toàn tương đối, không có nghĩa tất cả chúng đều có giá trị như nhau. Charles Beard, một sử gia người Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20, có nói rằng, cho dù giấc mơ ấy không bao giờ hành hiện thực, thì các nhà sử học vẫn phải kiên trì bám đuổi theo nó. Nó là thước đo để đánh giá các bài nghiên cứu: bài viết nào bám chắc hơn vào chứng cứ, bài nào có suy luận chặt chẽ, cẩn thận hơn, bài nào có cố gắng nắm bắt quá khứ công bằng hơn.

Cuốn sách của Taylor về sử Việt, vì vậy, theo tôi là rất cố gắng để truyền tải được câu chuyện về quá khứ một cách khách quan nhất. Nhưng, suy cho cùng, nó vẫn chỉ là một cách diễn giải. Chúng ta không bao giờ có đầy đủ toàn bộ tư liệu, không bao giờ có thể biết hết quá khứ thực sự như thế nào. Nhưng như mọi cuốn sách nghiên cứu công phu khác, nó rất đáng để chúng ta theo dõi.  Tôi đã đọc được cách hiểu mới rất hay và rất hợp lý, và đã nhìn lại quá khứ một cách đa chiều hơn.




Một người bạn của tôi đã lên tiếng tỏ ý không hứng thú với sử Việt được viết bởi phương Tây. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên. Tôi cũng hiểu được nỗi lo của bạn. Một người ở một nền văn hóa hoàn toàn khác, và chưa biết chừng có những định kiến hình thành từ mối quan hệ chính trị từ những năm 60-70s về VN, làm sao có thể viết về sử Việt cho đúng được?

Nhưng ngay cả chúng ta, những người sinh ra trong nền văn hóa ấy, liệu có thực sự hiểu được cuộc sống trong quá khứ? Xã hội của chúng ta và cũng như nhiều nước nhỏ đã qua thuộc địa khác, đã bị "Tây hóa" rất nhiều. Những giá trị, đức tin hiện giờ đã thay đổi, chứ không hề đứng im trong vô số những biến đổi của lịch sử. Chúng ta, liệu có tiếp cận được sử thật chân thực? Và hơn nữa, nào có phải là chúng ta không có định kiến về chính sử của chính mình? Ai chẳng có mong muốn được tìm thấy những câu chuyện anh hùng về những con người và giai đoạn đáng ngưỡng mộ, đầy cảm hứng, ai chẳng muốn tránh, muốn không nhìn vào những cái xấu xa và cả đáng xấu hổ? Cách biệt về không gian của chúng ta với quá khứ là không nhiều, nhưng khoảng cách trong thời gian vẫn thật lớn lắm.


Comments

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. E hèm, e hèm :p. Chuyện lịch sử đúng là chuyện lịch sử, dài dòng và nhiều lý do quá Tâm nhỉ :)), người bạn kia lo thế, nhưng có thể cũng có lý do để y tin vào cảm quan của y, vì y nhìn nhận sử học dưới góc độ con người và khoa học, không phải thần tượng hóa :p.
    Ngoài ra, chính tính thiếu xác thực của nhiều vấn đề trong lịch sử làm y thích đọc tiểu thuyết lịch sử, vừa có yếu tố lịch sử, vừa văn vẻ, rất vui :)), nhẹ nhàng.

    Mà này, tớ đang đọc Hành trình về phương Đông của Baird T. Spalding, theo như ý của bản dịch tiếng Việt thì có các thiền sư ở Ấn Độ và sâu trên Himalaya có thể nhìn thấu quá khứ vị lai. Hiển nhiên là tớ không tin vào chuyện này, (và sẽ rate quyển này xuống rất thấp vì tính chủ quan của tác giả,) nhưng nếu như thế thì mấy bác thiền sư này có thể hé lộ cái mà chúng ta gọi là sự thật tuyệt đối. Chờ tớ đọc xong quyển này đã rồi phán tiếp :))

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular Posts