Bất bình đẳng - người tài

Hôm nay rảnh nên tôi đang cố ngồi đọc nốt cuốn "Capital in the 21st century" của Piketty mà tôi có nhắc đến trong bài viết trước. Đọc chưa xong nhưng quả thực cuốn sách rất thú vị nên tôi muốn chia sẻ luôn.




Các bạn nghĩ gì về nước Mỹ?

Trước khi tới đây học và làm việc, những từ tôi nghĩ tới để miêu tả đất nước này là: cường quốc, thịnh vượng, phát triển, công nghệ, khoa học, giáo dục và đào tạo, dân chủ, tư bản, và dĩ nhiên không thể thiếu "giấc mơ nước Mỹ" - American dreams.

Giấc mơ nước Mỹ, hẳn chẳng cần phải giải thích gì nhiều, chúng ta đều biết, ám chỉ tới những cơ hội phát triển và làm giàu cho cá nhân trên một xứ sở biết cách tạo điều kiện cho các tài năng và những nỗ lực. Cụm từ này có lẽ có nguồn gốc vào khoảng thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, khi có một lượng lớn dân nhập cư đổ vào Mỹ từ các nơi trên thế giới, chủ yếu là châu Âu nhưng cũng không ít dân Đông Á. Khi ấy, nước Mỹ còn là một vùng đất chưa hoàn toàn thành hình, và khác với châu Âu già cỗi, nó không có một sự phân chia giai cấp rạch ròi và khó dịch chuyển trong xã hội. Đất đai đủ rộng để khai hoang, vậy nên quyền sở hữu đất không tạo nên sự khác biệt quá đáng kể trong thu nhập ở Mỹ, khác với châu Âu bé như cái lỗ mũi. Mỹ ra đời là một Hợp chủng quốc, chứ không phải là một đất nước đã có các tầng lớp vua và quý tộc cả nghìn năm. Tự do, ôi tự do. Cơ hội rũ bỏ gốc gác và địa vị vốn khó có thể lay chuyển ở vùng đất cũ, cơ hội ấy hiện diện ở đây. Và thế là chúng ta ngầm hiểu: chỉ cần tài năng và cố gắng, nước Mỹ sẽ đáp lại chúng ta những gì chúng ta xứng đáng với.






Quả là một giấc mơ đẹp, nhưng có lẽ vẫn luôn là một giấc mơ. Hoặc nếu có từng tồn tại, nó cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và giờ đây nó đã không còn đúng nữa.



Trong cuốn sách của mình, Piketty liên tục đưa ra ví dụ về nước Mỹ nhưng là nước có sự bất bình đẳng xã hội lớn nhất trong khối các nước phát triển. Nếu như vào đầu thế kỷ 20, Fisher (một nhà kinh tế học người Mỹ) còn hoảng sợ lo lắng rằng Mỹ sẽ dần trở nên bất bình đẳng như "châu Âu cũ", thì giờ đây mọi chuyện đảo lộn vị trí. Châu Âu và nhất là Bắc Âu có nhà nước đặt thuế cao ngất ngưởng để hỗ trợ các chương trình phúc lợi xã hội, các dự án công cộng. Trong khi đó, Mỹ "tự hào" với nền kinh tế thị trường năng động mà họ cho rằng có được nhờ thuế doanh nghiệp thấp, thường đánh chỉ khoảng 30-40%, thuế thu nhập trung bình dao động từ 20-40%, ít hơn nhiều so với khoảng 50, 60, thậm chí là 70% như ở châu Âu.

Không thể không công nhận Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với khoa học kỹ thuật hàng đầu cũng như chất lượng về giáo dục và đào tạo. Nhưng việc Mỹ tự hào về sự bất bình đẳng trong xã hội của nó là một vấn đề đáng chú ý. Sự bất bình đẳng được chấp nhận như là lẽ tự nhiên, là một sự đào thải tất có của xã hội. Thắng làm vua, thua làm giặc. Ít có nơi nào lại đầy khắt khe với những người "thất bại" như thế. Sự thất bại được giải thích là do sự yếu kém, là do không đủ cố gắng của cá nhân. Bạn phải gánh chịu kết quả, bởi vì bạn là nguyên nhân của tất cả. Xã hội đã tạo điều kiện cho bạn đi học, còn gì không làm được. Người khác có thể thành công, tại sao bạn lại không?  Vân vân và vân vân.



Có thực thế?

Tôi thấy đặc biệt ấn tượng với một con số thế này mà Piketty đưa ra. Thu nhập trung bình của phụ huynh có con đi học ở Harvard là $450,000/năm. Một con số đáng giật mình khi thu nhập trung bình cả nước là $50,000. Với thu nhập gần nửa triệu đô như thế, gia đình ấy đang nằm ở top 2% giàu nhất của nước Mỹ. Một ngôi trường đại học danh giá mà chỉ riêng cái tên của nó thôi đã gắn liền với chữ "merit", đồng thời quả thực cũng rất gắn bó với chữ "có điều kiện."

Sẽ nhiều người không ngăn được mà nói rằng: đã giỏi lại còn giàu. Quả là có được tất cả. Vâng, quả thực đúng thế.

Nhưng Piketty cũng nhận xét thế này. Nếu như ở xã hội cũ, giới thượng lưu không tự nhận họ "xứng đáng" giàu. Đơn giản là cuộc sống phải thế, xã hội chấp nhận có người sinh ra thế này, có người sinh ra thế khác. Nhưng ở xã hội hiện đại, mọi chuyện có phần khác. Hầu hết các nơi trên thế giới là xã hội dân chủ, mà ở xã hội dân chủ khi tất cả mọi người sinh ra "bình đẳng," để giải thích và bảo vệ vị trí ưu ái của mình, giới thượng lưu cần có một cái cớ khác, cũng đầy thuyết phục, nó có tên là "merit" - năng lực cá nhân.

Đó là một cái cớ đầy quyến rũ. Cái cớ ấy lôi kéo con người ta làm việc, nhẫn nại, cố gắng và hứa hẹn có một ngày năng lực sẽ được công nhận xứng đáng. Nếu không thành công, vâng xin nhắc lại, đó là lỗi ở bạn. Năng lực cá nhân là cái cớ để các CEO được trả lương hơn trăm triệu đô la một năm, những con số quá cao quá vô lý và không thể nào được giải thích một cách logic, ít nhất bằng các mô hình kinh tế.
 

Quả thực có những người làm giàu từ hai bàn tay trắng. Nhưng trong thời "không loạn" thì những ví dụ như thế không nhiều. Đáng nói hơn, những người thành công, những cái tên doanh nhân được hâm mộ trên thế giới, đều hay kể lại câu chuyện làm giàu chỉ tập trung vào những nỗ lực của bản thân: hãy kiên trì, hãy có đam mê, hay dám mạo hiểm, hãy học từ thất bại, hãy tin vào tố chất của bản thân, v.v. mà chẳng mấy ai nhìn vào điều kiện cho ra đời những thứ ấy.

Tôi ghét nhất là những bài viết so sánh tính cách của người giàu và người nghèo. Người giàu thì nghĩ xa xôi có tầm nhìn thế này, biết chủ động làm thế này. Người nghèo thì lười, thì nông cạn, thì ỷ lại, v.v. Sự giàu và nghèo được nhận định là do bản chất con người mà nên. Thế nhưng trong đầu tôi thì thấy có một câu thật đúng thế này: "Con vua thì lại làm vua, con sãi trong chùa lại quét lá đa." Chỉ riêng việc được đi học và được tiếp xúc với kiến thức thôi, ấy đã là một sự đãi ngộ. Được giáo dục bậc cao hơn và có điều kiện kinh tế mà khởi nghiệp lại còn là một đãi ngộ cao hơn nữa. Nếu sinh ra ở một khu ổ chuột, một vùng núi nghèo khổ, thì với mọi cố gắng và nỗ lực, cũng sẽ rất khác với một người được sỉnh ra đơn giản chỉ là ở tầng lớp trung lưu, được tiếp xúc với các cơ hội phát triển, được nhìn ra thế giới. Giáo dục đại học ở Mỹ có thể nói là nền giáo dục đắt đỏ nhất thế giới. Thu nhập của phụ huynh chiếm một phần rất lớn trong việc con cái họ có được tiếp xúc với sự đào tạo chất lượng nhất hay không.

Nói một ví dụ đơn giản thế này mà bạn sẽ có phần hơi bất ngờ. Bạn hay gia đình bạn có thu nhập trung bình một năm từ khoảng 60-70 triệu đồng trở lên không? Ở năm 2008, với con số này bạn đang nằm trong top thu nhập 10% ở Việt Nam, một con số tôi dựa trên thống kê của World Bank. Con số này có lẽ hơi thấp hơn so với thực tế, nhưng bạn có thể ước lượng đại khái như vậy.

Thế đấy, chúng ta có được ưu tiên, có được đãi ngộ nhưng chúng ta thường không nhận thức rõ ràng và không đặt nặng chúng, không cho chúng là lý do cho sự thành công của cá nhân. Theo tôi, đó cũng là một cách phòng vệ dễ hiểu, bảo vệ rằng "ta xứng đáng." Nhưng những đãi ngộ ấy chiếm một vai trò rất lớn không thể gạt ra bên ngoài. Nói thật, tôi vẫn hay nghĩ chua sót thế này, nếu không nhờ có Đảng thì chắc gia đình tôi vẫn ở quê làm ruộng và tôi chẳng có thể có nổi một cái máy vi tính và ngồi viết những bài viết dài dằng dặc thế này, chứ đừng nói đến được tiếp xúc với những tri thức tân tiến ngoài kia.

Vâng, cơ hội làm giàu, làm từ con số không, cơ hội chuyển mình như tôi đã nói chỉ đúng trong một giai đoạn ngắn, thường là khi có bạo loạn, ví dụ tiêu biểu là sau cơn sốc chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế. Sau Đại khủng hoảng và rồi thế chiến thứ 2 kéo dài cho tới thời Reagan, Mỹ đã áp dụng thuế lên người giàu với mức độ khủng khiếp, có lúc lên tới 90% thu nhập từ các loại tài sản tư bản (capital). Xã hội Mỹ lúc ấy mới thực sự tạo điều kiện cho những người có nỗ lực và cố gắng bước chân vào giới thượng và trung lưu. Cũng chỉ sau thế chiến thứ 2, châu Âu mới tăng các loại thuế lên khoảng 50-60%, hạn chế được sự tăng bất bình đẳng và cũng có tác dụng hỗ trợ sự thăng tiến, dịch chuyển nấc thang xã hội. Nhưng rồi sức mạnh của tài sản tích lũy và thừa kế lại dần chiếm lại thế thượng phong. Một lẫn nữa, cuối thế kỷ 20 và bước chân vào thế kỷ 21, châu Âu và đặc biệt là Mỹ lại chứng kiến sự bất bình đẳng xã hội tăng tới mức gần tương đương đầu thế kỷ 20. Nói cách khác, cho dù bạn có giỏi tới mấy, làm việc khủng khiếp tới mấy, mà không có bước đệm đầu nhất định (i.e. sinh ra trong gia đình có điều kiện), thì thu nhập sẽ chẳng bao giờ vươn tới được con số ở top 1% kia ở Mỹ. Liên hệ với VN, nếu những người sinh ra vào năm 70-80 còn có nhiều cơ hội để "đổi đời," thì cho tới thế hệ sinh ra từ khoảng năm 90 đều đã rất phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà họ ra đời.



Nói dài dằng dặc ra như vậy, có lẽ ý của tôi chính yếu là để chúng ta, những người có cơ hội ngồi rảnh rang viết và đọc bài này tự nhận thức được chúng ta may mắn thế nào. Nhưng hơn nữa tôi cũng muốn đề cập tới một vấn đề khá lớn và ngày được quan tâm hơn ở Mỹ, đó là sự bất bình đẳng mà thường được bào chữa là tất nhiên từ khả năng mỗi người. Một xã hội mà 50% dưới của dân số gần như không sở hữu tài sản tạo lãi gì, và khi 1% đầu thì chiếm tới 40% thu nhập, thì quả không phải là một nơi tuyệt vời tới thế.

Chê bai đất nước Mỹ này như thế không có nghĩa rằng tôi hướng tới châu Âu và nhất là Bắc Âu như những điểm đến lý tưởng. Chẳng có ở đâu là utopia cả. Chúng ta thường tưởng tượng ra Eden tồn tại ở đâu đó, ngoài kia, Đan Mạch, Thụy Điển chăng? Nhưng ở đâu cũng có những vấn đề của nó.

Comments

Popular Posts