Đấu tranh nữ quyền

Lại nói tới cách đây vài năm, cứ nghe thấy các nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền, tôi cảm thấy có phần e dè sợ hãi. Thử nghĩ thế này, khi đang nói chuyện bông đùa đâu đâu, tự nhiên một người nhảy bổ ra đề nghị bạn nghĩ cho kỹ lại những gì bạn đang nói: tại sao lại dùng từ "bị" trong khi nói về người gay? Tại sao lại nói một đứa tính cách tởm lợm đáng coi thường là tính như "đàn bà"? Tại sao đàn ông kiếm nhiều tiền hơn thì được, quan hệ với nhiều người thì được, mà phụ nữ như thế thì lại bị ghét? V.v.





Nghĩ lại, ấy là do một sự hèn nhát. Tôi không thích lại gần tới những "activists" như vậy đơn giản là vì tôi sợ. Những thói quen cố hữu, những suy nghĩ đã ăn mòn vào nếp, giờ đột nhiên bị bẻ gẫy, bị thách thức, chả sợ quá. Nhưng nghĩ sâu hơn một tí, sợ còn là bởi vì tôi thầm biết, dù không muốn thú nhận, nếu mình cãi nhau chỉ có thua to. Bởi tôi không có đủ luận lý để bảo vệ cho ý kiến của mình. Những suy nghĩ đã thành thói quen ấy được hình thành vô thức do hoàn cảnh xã hội mà nên. Tôi đã chấp nhận chúng mà không kiểm tra cho kỹ. Tôi có khi còn chẳng biết rằng những định kiến, những quan điểm của mình tồn tại kia.


Có một bài post của bạn trên FB. Đấy chỉ là một cái quiz nho nhỏ đơn giản với tiêu đề: "Bạn suy nghĩ như đàn ông hay đàn bà?" Người bạn (nữ) của tôi ra kết quả 100% nam tính.

Thú thực tôi cũng chả phải con người tân tiến gì cho lắm. Phản ứng của tôi đầu tiên trong đầu là "hay nhỉ." Sau đấy tôi mới tự cấu mình một phát và cảm thấy chua xót. Vì sao ta thấy hay? Có phải vì việc "suy nghĩ như đàn ông" luôn được đánh giá cao hơn "suy nghĩ như đàn bà"? Ta không nói ra ngoài miệng, nhưng ta đã thầm biết thế. Cả Âu cả Á, nhắc tới phụ nữ là có đầy những từ nghĩa tiêu cực được gắn liền vào: hèn nhát, nông cạn, thiển cận, tiểu nhân, hẹp hòi v.v. Tôi chợt nhớ ra, VN mình có câu này: "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu." Còn đàn ông thì sao, ha ha, dĩ nhiên là gắn liền với những từ kiểu như: phóng khoáng, rộng rãi, quân tử, v.v.. Phái nam có tính tốt như vậy thì không "ngạc nhiên" lắm, phái nữ có tính tốt thì được coi là biết "vượt qua" ranh giới. Tương tự, phái nữ có tính xấu thì là chuyện thường tình, còn thằng con trai nào hơi kỹ tính một chút thì bị nhận xét độp một câu "đồ đàn bà." Một ví dụ nho nhỏ mà tôi thấy rất sáng thế này. Trong tiếng Anh nếu ta nói "he uses her" và "she uses him," bạn sẽ liên tưởng ra như thế nào? Dĩ nhiên đa phân chúng ta sẽ nghĩ người đàn ông đang lợi dụng người phụ nữ về mặt tình dục, và người phụ nữ thì lợi dụng người đàn ông ở khoản tiền bạc.




Có vô vàn những ví dụ nữa trong việc sự dụng ngôn từ mà kể ra không biết bao giờ mới hết. Nếu bạn để ý một chút thôi sẽ thấy nó hiển hiện khắp nơi nơi. Thì dĩ nhiên, cả mấy ngàn năm của chế độ trọng nam khinh nữ này mà lại. Điểm kết thúc còn chưa nhìn thấy và sự đấu tranh cứ tiếp diễn không ngừng.


Hay kể như thế này, lại là một lỗi lầm tôi đã từng mắc phải và có khi vẫn dang mắc phải, ấy là về hình thức của người phụ nữ: fat/thin shaming - chê vẻ ngoài béo gầy của người khác. Việc đánh giá ngoại hình này dĩ nhiên là xảy ra với mọi đối tượng trong xã hội, cả nam lẫn nữ, và không chỉ về mặt giới tính mà còn giai cấp, còn về ngành nghề. Nhưng phụ nữ gặp phải một áp lực đặc biệt rất lớn cho việc chăm sóc hình thức của mình.

Khoan, tôi không nói là phụ nữ không nên làm đẹp, phụ nữ không cần người khác ca ngợi khích lệ. Chính nhiều nữ giới tự coi bản thân mình là anti-feminist vì họ nói họ thích đẹp, họ thích được khen đẹp, tại sao feminist lại cứ phải cương lên, tự làm xấu mình mới tốt. Ấy, không phải thế. Ai cũng cần làm đẹp, cũng cần được yêu thương, ai cũng cần biết chăm sóc bản thân mình, chả riêng gì giới tính. Nhưng nếu họ không làm thế vì thấy không cần thiết thì cũng có làm sao? Vấn đề là quá nhiều phụ nữ lựa chọn làm đẹp vì áp lực xã hội. Nếu họ không biết chăm sóc bản thân, cái áp lực ấy sẽ quá lớn khiến họ không yêu nổi bản thân nữa. Đấy là chưa nhắc tới quan điểm thẩm mỹ là một thứ chủ quan như thế nào.

Tôi có biết một người bạn học đại học và sau bốn năm thì bạn gái ấy béo lên khủng khiếp. Tôi và lũ bạn nhìn nhau giật mình và có phần cười cợt. Thế rồi với chính bạn của tôi, tôi cũng đã từng hỏi vì sao không giảm béo đi/sao không ăn nhiều lên? Hay tôi nhớ tới chị mình ngày xưa có béo một tí và suốt ngày bị mẹ tôi cằn nhằn không cho ăn nọ kia, tôi cũng chả nói gì v.v. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy muốn sỉ vả bản thân mình. Béo thế nào, gầy thế nào, có làm sao (ấy là nếu không bị bệnh)? Con người đẹp nhất là khi họ yêu thương họ, khi họ tự tin với chính mình. Khi ấy họ sẽ tỏa sáng, đôi mắt sẽ lấp lánh và nụ cười thì chân thành. Đừng bỏ bê bản thân để tỏ vẻ ta bất cần ý kiến của xã hội, vì như thế cũng chính là không yêu thương mình, như thế tức là vẫn còn quả để tâm tới lời của người ngoài. Hãy yêu lấy bản thân mình thôi. Thế nhưng ta có quyền gì mà nói với họ: nếu không theo một tiêu chuẩn của tao thì mày là rác rưởi, là vứt đi? Không, ta không có quyền ấy.








Tôi không ý thức rõ ràng được những điều nêu ra trong bức hình minh họa trên cho tới khi học vài lớp lịch sử nghệ thuật. Quả thực đến lúc ấy tôi mới nhận ra, hình khỏa thân của phụ nữ được coi là nghệ thuật, nhưng hình khỏa thân của nam giới? À, có vài ví dụ như tượng David của Michelangelo thì chình ình ra đấy. Nhưng xét mặt bằng chung, điểm nhấn của những tấm hình nghệ thuật là thân hình người phụ nữ, và, nhấn mạnh, "khỏa thân"

Ta thích tung hô vai trò của nghệ thuật lên tí, thích nâng cao giá trị của một bức tranh và giả vờ thân hình khỏa thân quyến rũ của người phụ nữa kia là tượng trưng cho cái đẹp trừu tượng, chả phải thứ gì dâm mỹ trần tục. Có đúng thế? Giả dụ vậy, thế còn thân hình nam giới thì sao? Tôi nghĩ cũng đẹp?

Vì chúng ta đã quen rồi, quen với việc coi phụ nữ là một "object to be gazed at", một thứ để nhìn ngắm, vô lực, không có sức phản kháng. Nam giới thì không thể làm thế, vì nam giới có sức mạnh, là phái "mạnh", ta cảm thấy không thoải mái. Tôi chẳng biết dịch ra tiếng Việt thế nào, đại loại "men own the gaze, women are to be gazed at." Ví dụ như thi hoa hậu.


Rồi chính phụ nữ với giới tính của họ bị coi là một cái tội. Năm ngoái tôi tình cờ thấy hai người bạn của tôi vào chửi status của một thằng nít ranh đăng bài báo về một cô bé bị cưỡng hiếp vì đi chơi uống rượu say quá. Thằng nhãi đấy viết đại loại loại là cho đáng đời. Chúng tôi phát điên lên.

Bị cưỡng hiếp là lỗi của cô bé đấy cả, còn cái thằng hiếp dâm thì lại không bị nói gì? Sao mà giống như nếu bạn gặp cướp ngoài đường thì tất cả là do lỗi của bạn ra ngoài đường buổi tối, còn thằng cướp làm thế vì nó sẽ luôn luôn làm thế với cái tình huống ấy? Vậy hóa ra một thằng đàn ông cứ thấy phụ nữ hớ hênh một chút là sẽ luôn luôn nhảy vào xâm phạm người ta? Mẹ kiếp, được rồi cứ cho là luôn luôn phải có phòng bệnh hơn chữa bệnh đi. Nhưng tại sao tại sao nạn nhân mới là người bị xã hội nhìn chằm chặp vào. Đi chơi với bạn, uống rượu, có gì đâu. Cái xã hội này có quyền gì mà lại để cho phụ nữ dễ bị hiếp đáp hơn nam giới nhiều như thế? 

Dạo gần đây dấy lên tiếng nói của sinh viên các trường đại học ở Mỹ về việc xử lý các vụ án hiếp dâm ở các trường đại học. Các vụ cưỡng hiếp trong các trường đại học không hiếm, nhưng việc xử lý của trường thì thường rất kín tiếng không rõ ràng. Vâng, ở Mỹ thì những nạn nhân của các vụ hiếp dâm vẫn bị đối xử rất khổ sở. Họ không dám nói, vì sợ điều tiếng xã hội. Họ lên tiếng rồi, thì lại bị chửi rủa, bị nói mày là một con "slut" và đáng bị thế? Cái thằng hiếp dâm thì bị hội đồng kỷ luật khiển trách, nghỉ tạm một kỳ là cùng và rồi quay lại học với tương lai bình thường. Còn nạn nhân thì cả đời bị ám ảnh.



Hôm nọ đọc được một bài báo về việc hợp pháp hóa ngành công nghiệp tình dục ở Úc. Bài báo viết về mại dâm nam và việc càng ngày càng có nhiều nhu cầu từ những phụ nữ trưởng thành, giàu có, thành đạt, độc lập, có nhu cầu với loại hình dịch vụ này. Cứ tưởng rằng như thế tức là vị trí của phụ nữ trong tình dục đã được nâng lên tí chút, nhưng câu chuyện thực ra vẫn thế: phụ nữ vẫn phải đóng vai trò bị động, nam giới chủ động. Nếu như "female prostitute" bị coi thường khinh rẻ, thì trái lại "male prostitute" được cho là có một công việc thú vị nhỉ, có thể hưởng thụ mà lại kiếm tiền.  Và như đã nói từ đầu bài viết, phụ nữ có quan hệ với nhiều người thì bị khinh rẻ, còn đàn ông làm thế thì lại được coi là đào hoa.  Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Thế là rất bất công, tôi đã nghĩ vậy. Bất công với cả phụ nữ và cả nam giới. Cả hai đều phải chống chọi với những quan niệm xã hội về thế nào là đàn ông và thế nào là đàn bà. Nhưng suy cho cùng,  trong xã hội này nam giới vẫn đứng ở vị trí quyền lực hơn. May mắn thay có nhiều người đàn ông là feminist, nhưng đáng tiếc thay cũng không thiếu phụ nữ là anti-feminist.




Một câu hỏi cuối cùng: phụ nữ và đàn ông có khác nhau không? Nếu về mặt sinh lý, tôi nói là có. Nhưng về mặt tâm lý và đầu óc, tôi xin phép được tranh cãi là không, và tôi sẽ cãi không cho tới cùng. Tôi đã từng tự hỏi tại sao ở mọi ngành nghệ, tỉ lệ phần trăm những người thành công đều là nam giới? Từ chính trị, kinh doanh, công nghệ cho tới trang điểm, đầu bếp, thời trang? Chẳng lẽ là có một sự khác biệt trong bản chất, fundamentally, giữa khả năng lao động của hai giới?

Ngày xưa bạn tôi có chia sẻ với tôi một bài báo thế này về phụ nữ và sự nghiệp, tôi đã không còn giữ lại link nên giờ chỉ nhớ mang mang. Các doanh nghiệp ngại thuê phụ nữ vì họ có vấn đề sinh con đẻ cái lập gia đình, cần nghỉ phép, rồi là các mức hỗ trợ của chính phủ và doanh nghiệp cho phụ nữ có thai, cho chăm sóc trẻ nhỏ lằng nhăng. Sinh con xong họ sẽ mất tính cạnh tranh vì không theo kịp với thay đổi trong công việc. Khi ở thời gian đỉnh cao của sự nghiệp thường con cái lại ở tuổi teen là tuổi phát triển tâm lý quan trọng nhất, v.v. Phụ nữ không thể có sự nghiệp thành công như nam giới bởi cản trở rất thuần túy về mặt sinh lý ấy. Nhưng thế không có nghĩa là cản trở không thể phá bỏ. Tại sao chúng ta không nhận ra rằng cái mô hình xã hội, doanh nghiệp hiên giờ mới là thứ thất bại vì đã không thể đưa phụ nữ vào thành công, mà lại chỉ biết chấp nhận là, à, mọi chuyện phải thế?

Tôi quên mất bên châu Âu nước nào có chế độ này, một trong các nước Bắc Âu thì phải, mà có khi là giờ nhiều nước cũng thế: luật đưa ra phải có quota nhất định cho tỉ lệ phần trăm nữ giới nắm vai trò lãnh đạo trong bộ máy doanh nghiệp. Người ta phàn nàn kêu ca làm thế sẽ khiến giảm hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp, chọn người thì phải chọn theo tài năng chứ sao lại chọn theo giới tính? Câu trả lời và cũng chính là một câu hỏi, là cái hệ thống này có thực sự cho phụ nữ có sự bình đẳng với nam giới để phát triển tài năng của họ không? Giống như câu chuyện trong một bài post của tôi về giấc mơ nước Mỹ, về người tài và thành công với kẻ thất bại. Ta cứ cho rằng thành công là chỉ dựa trên "tài năng" không thôi, nhưng nó còn dựa trên bao nhiêu đãi ngộ, bao nhiêu may mắn, dựa trên chính hệ thống phát triển này.



Comments

  1. Tâm viết tốt, viết nhiều và tâm huyết thế :-ss Hic hic đi học suốt ngày papers, tớ chả thể nào tự tạo động lực ngồi ghi chú, sắp xếp suy nghĩ của mình được như này. Thành ra suốt ngày một đống suy nghĩ triết lý cứ bơi bơi trong đầu ko thoát ra được. Đến cả đi ngủ cũng mơ màng triết lý haha.

    Lạ (và cũng thấy thú vị) là dạo này tớ liên tục gặp / nghe / phải thảo luận về các thể loại -isms. Chắc là vì bài nói của Emma Watson về feminism? Nghĩ lại thì những 3/4 lớp tớ đang học liên quan -ism. Thậm chí sáng nay tớ vừa nghe bài thuyết trình seminar của 1 bạn cùng lớp về perceptions of feminism @_@ Rồi còn vụ movement ở DePauw từ năm ngoái nữa chứ.

    Thuở teen teen ngây thơ chưa biết tìm hiểu thêm, chất vấn lật ngược vấn đề, thấy báo đài tuyên truyền alternative lifestyles/concepts nào tớ cũng nghĩ là rất cun.
    Hippie à, trông hay hay, mình sẽ quấn khăn như họ! Và họ là những con người thật cun, có ý nghĩ thật thú vị, phóng khoáng!
    YOLO á? Đúng quá rồi! Tuổi trẻ mà, phải làm bằng được tất cả những gì mình thích! Như là phượt này, bay dù lượn này!

    Nhưng mà...
    Bây giờ thì tớ lại thành sợ các thể loại tuyên truyền, advocacy rồi. E là ai nói thế nào tớ cũng ko thay đổi quan điểm được. Càng nói, càng hô hào có khi lại thành dị ứng, vô cảm :-ss Tớ chỉ appreciate giai đoạn đầu của các movements, khi mà những quan điểm mới (hoặc được nhìn từ một góc độ khác) được giới thiệu. Có lẽ tớ là người thích đứng bên lề quan sát, lắng nghe và hứng thú những quan điểm mới thú vị, hơn là tham gia vào tạo nên thay đổi (hic nghe guilty sao đó). Tớ nhận thấy mình hay kiểu, "a, cái nhìn này thú vị quá, mặc dù mình ko ủng hộ nó, và cũng ko nghĩ nó đúng với mọi trường hợp".

    Như movement ở DP... Khi các bạn ấy đưa ra vấn đề, tớ thấy cũng thú vị vì tớ chưa bao giờ nhận thấy segregation issues ở DP. Nhưng khi mọi việc bị làm quá lên, tớ bội thực và chán ngán – rất chán và ngán! Gần 1 năm các bạn vẫn cứ làm ầm lên với nhiều hoạt động, cuộc họp (nơi mà các bạn thuộc "majority", "privilege" ko dám nói lên suy nghĩ của mình vì sợ bị chỉ trích), bao nhiêu emails từ administration nhắc nhở về diversity issues, thậm chí cả đề xuất về M requirement (M = multicultural). Các bạn ấy ko nhận ra là, khi các bạn cứ làm thế, các bạn chẳng quan tâm gì đến mục đích "cao cả" ban đầu, là bring equality. Oái oăm thay, các bạn đang chia rẽ cộng đồng nặng nề hơn! :( Thầy lớp Ethics Communication seminar của tớ có bảo thế này, và tớ thấy rất hay: dù DP đã là privileged community, các bạn được ăn học tốt, điều kiện đầy đủ, nhưng thú vị là privileged community ấy cũng lại chia thành những cộng đồng nhỏ hơn, so đo nhau, đong đếm privilege.

    Gender equality, environmental activism, LGBT movement cũng vậy.

    Hay có khi nào tớ ko đồng cảm, ko tham gia vào, vì mình ko ở trong hoàn cảnh của các bạn í? :(

    Dù sao thì... Tâm xem thử cuốn này xem thích ko xD Tớ chỉ mới đọc 1 chương cho lớp bác Ota thôi, chứ chưa đọc cuốn í đâu hihi. Tớ thấy thú vị khái niệm "reverse covering" (trái với covering) mà tác giả giới thiệu. "Covering: The Hidden Assault on Our Civil Rights" https://www.goodreads.com/book/show/255301.Covering?ac=1.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mi ngố thân mến,

      Tớ cũng đã từng nghĩ việc cứ làm ầm ĩ lên như thế thật là khó chịu, và còn gây phản cảm nữa. Ngày xưa tớ ngại tìm hiểu về feminism cũng là một phần như vậy. Đang yên đang lành, không có gì quá tệ, sao phải làm loạn lên?

      Nhưng tớ nhớ mãi một câu trong vợ chồng A Phủ thế này: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi." Ở lâu trong cái hệ thống xã hội này, ta internalize những cái phân biệt về mặt giới tính, giai cấp, màu da, mà có khi ta không nhận ra. Mà nếu nhận ra và không lên tiếng, thì để làm gì?

      Có nhiều cách lên tiếng và đấu tranh. Bản thân tớ nghĩ việc tổ chức các hoạt động ở trg bây giờ có cái hay mà cũng có cái dở. Tớ không biết liệu nó có thành công hay không, nhưng nó là một tiếng nói, nó là một sự khởi đầu cho các sự thay đổi khác, cho những cách đấu tranh khác, ví dụ như là chia sẻ quan điểm với nhau thành thật, là nói chuyện, là viết. Các hình thức này sẽ hộ trợ cho nhau, chứ chỉ riêng một hình thức không thể thành công được. Và có những hình thức thì hơi extreme thật.


      Hãy thông cảm cho các bạn ấy. Các bạn ấy phải đối mặt trực tiếp với nhiều thứ hơn chúng mình tưởng. Chúng mình chỉ đứng ngoài thôi. Với cả khi đấu tranh thì người ta có lúc get lost in hatred. Bản thân tớ thì nghĩ nếu hòa ái, nếu thân thiện, nếu mềm mỏng, lấy nhu thắng cương thì tốt hơn.

      Delete
  2. Em thấy trong bài này chị nhìn các vấn đề xã hội bằng feminist lenses. Đúng là bây giờ vẫn có quá nhiều định kiến về phái nữ và hầu hết ý kiến của mọi người đều bị socially constructed. Em có một vài quan điểm cá nhân về một bài viết rất hay này.

    1. Em tự hỏi rằng sự chênh lệch phần trăm giữa thành công của nữ giới và nam giới nó có thực sự liên quan đến năng lực giữa hai phái hay không, hay phần lớn cấu trúc của xã hội (structuralism) từ bản chất đã được cấu tạo để cho nam giới được nắm quyền hơn nữ giới? Ví dụ những phẩm chất được đề cao ở một lãnh đạo là kiên định, cứng rắn, dứt khoát. Liệu ngay từ những phẩm chất này đã hướng về nam giới nhiều hơn nữ giới? Và nếu xã hội được cấu tạo theo một kim tự tháp với cái chóp nghiêng về phía nam giới thì liệu nữ giới có thể có chỗ đứng nếu như họ không sở hữu tính cách của nam giới? Ví dụ như Elizabeth I được dân chúng Anh ủng hộ bởi vì tuyên bố rằng mặc dù trong thân thể của nữ giới, bà ta vẫn mang trong mình trái tim của một đàn ông. Còn những người phụ nữ lãnh đạo như Catherine de Medici thì bị coi là quái vật.

    2. Với sự đa dạng văn hóa trong thời kì hiện nay, em nghĩ liệu chúng ta có nên nói về stereotype về giới tính? Trong các poster quảng cáo luôn luôn gắn nữ giới với một stereotype đại loại như thụ động, dễ phục tùng (submissive), phụ thuộc và nam giới thường đi đôi với quyền lực, chủ động, độc lập. Đủ hiểu rằng những stereotypes này hoàn toàn sai trong thực tế, cũng giống như cái quiz chị đề cập về "bạn suy nghĩ như đàn ông hay đàn bà." Thực tế đa dạng hơn rất nhiều: có những người đàn ông để tóc dài và thích nấu ăn, và có những người phụ nữ có dáng đi mạnh mẽ và thích độc lập. Những cái stereotypes này, phải nói thực rằng, nó rất hiệu quả, vì người ta sẽ không phải suy nghĩ nhiều về những cá nhân cụ thể mà cứ việc gán mác về một cộng động hay một nhóm người nào đó. Trong lịch sử bao nhiêu thảm họa đã xảy ra vì con người, kể cả những người rất vĩ đại, thích dán mác. Aristotle bảo phụ nữ giống động vật vì không biết suy nghĩ, David Hume bảo người da đen về bản chất thấp kém hơn người da trắng vì họ không có nghệ thuật và công nghệ. Và kết quả là gì? Hàng ngàn năm trời phụ nữ bị dè bỉu, còn những người có hàm răng trắng và đôi măt tinh (da đen) thì bị bắt làm nô lệ như một điều hiển nhiên!?

    3. Em nghi ngờ sự hiệu quả bền bỉ của các cuộc biểu tình đấu tranh. Nếu nhìn về góc độ lịch sử, thời đại của chúng ta đang bớt đi sự cay nghiệt về người da đen và đã giảm định kiến về người phụ nữ với một chiều hướng rất tích cực. Nhưng liệu những cái nhìn tích cực như vậy đến từ giáo dục hay đến từ sự di truyền văn hóa (cultural inheritance)? Dù giáo dục bây giờ phải nói thực là tràn lan, nhưng chúng ta vẫn thấy những người rất có học và quá tuổi trường thành thốt lên những từ đáng đau lòng như "thằng da đen này giống khỉ." Giáo dục, tiếc thay, dù làm con người làm việc hiệu quả hơn, nhưng đạo đức vẫn luôn bị méo mó và làm hạn hẹp bởi xã hội. Ý kiến của em là hầu hết những cái nhìn tích cực về phụ nữ và da đen bây giờ là từ sự di truyền văn hóa, nhưng nếu như thế thì thật đau đớn khi em nhận ra rằng bản chất của con người vẫn chưa hề thay đổi. Giáo dục ảnh hưởng rất nhỏ so với những gì xã hội ảnh hưởng. Giáo dục bây giờ, theo em, đang thất bại nếu như nó không giúp sinh viên có cái nhìn đa dạng, tổng thể, độc lập, và nhất là đạo đức hơn. Liên hệ với ý kiến của em về biểu tình giành quyền nữ giới hay da đen. Nó không bền vững, vì bao nhiêu cuộc biểu tình đã diễn ra trong lịch sử (Martin Luther King, Nelson Mandela) dù có ảnh hưởng, nhưng những vấn đề về quyền bình đẳng vẫn đang hiện rõ mồn một hơn bao giờ hết. Em không biết chúng ta có cần một cuộc cải cách toàn diện về mặt giáo dục không, vì theo em đấy là cách bền vững nhất em có thể thấy bây giờ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị không có đáp án cho cả 3 câu hỏi trên

      1. Chị chưa tìm hiểu xem có bài nghiên cứu khoa học nào về sự khác biệt trong bản chất giữa nam và nữ. Chị chỉ biết về phân bổ IQ thì nam giới có fat tail distribution hơn (em có biết normal distribution?), tức là ở level IQ rất cao và rất thấp thì có nhiều nam giới hơn nữ.

      Nhưng cái đó là trí thông minh thôi. Còn "phẩm chất" con người thì theo ý kiến của chị 80% là do giáo dục, do môi trường sống và xã hội tạo thành. Cái này là một debate khác giữa nature & nurture. Chị thì tin vào nurture. E có thể đọc thử "talent is overrated"

      2. Không hiểu rõ câu hỏi lắm. Hay đây chỉ là comment?

      3. Giáo dục mà em định nghĩa là formal education, là tới trường, lên lớp. Giáo dục về mặt này theo chị thấy là rất thiếu hiệu quả trong việc xây dựng tính cách con người. Với riêng bản thân chị, nền giáo dục thành công là vì những spillover của nó: những con người mà ta gặp. Thế nên, ừ, xã hội nói chung đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, đặc biệt là gia đình, rồi tới thầy cô, bạn bè, hàng xóm, người bán hàng.

      Chị chỉ đưa ra những quan sát của bản thân. Còn về biện pháp giải quyết to lớn thì chị chịu, bởi nghĩ là một chuyện, mà thực hành nó là một chuyện khác. Chị hơi thực tế tẹo: tiền, nhân sự, giám định kết quả, etc. Cứ nghĩ đến những thứ ấy là lười... Tạm thời chỉ nghĩ tới việc tạo ảnh hưởng từ mức độ vi mô, người với người, bằng cách viết.

      Delete
  3. Về formal education em muốn share với chị về một trường gần đây em tìm hiểu tên là Quest University. Em thấy trường này khắc phục được nhiều nhược điểm của trường đại học Mỹ. Thứ nhất trong phòng học của nó có một cái bàn tròn to, các sinh viên mặt đối mặt nên tạo ra một cái không khí giống như một bàn tiệc và làm sinh viên muốn trao đổi. Thứ hai trường này không có department nào cả. Các sinh viên cũng không có major mà thay vào đó, họ quan tâm đến chủ đề nào đó và sẽ đặt ra một big question. Họ sẽ phải ra ngoài đi tìm câu trả lời trong vòng 3-6 tháng cùng với việc đọc sách. Luôn luôn có một tutor (hay professor) sẵn sàng cùng sinh viên trao đổi ý kiến và giúp đỡ. Thứ ba là các sinh viên chỉ tập trung học một môn trong vòng 1,5 tháng, vì ông president luận rằng cái prefrontal cortex (highly developed) ở trong não không có khả năng multitasking. Mà các sinh viên Mỹ toàn học 3,4 môn cùng một lúc nên não luôn phải chuyển hướng tập trung. Như thế không kích hoạt được long-term memory mà học cũng không hiệu quả.

    Vấn đề so sánh giữa năng lực nam giới và nữ giới em thấy có một cuốn nói về vấn đề này rất hay là Sapiens: A Brief History of Humankind của Yuri. Ông này cũng thắc mắc tại sao trong lịch sử nam giới luôn được tôn trọng và ảnh hưởng mạnh hơn nữ giới. Ông ý giả định rằng nếu về sức mạnh thể chất, cứ cho là nam giới đánh nhau khỏe hơn, săn bắt giỏi hơn, nhưng phải nói rõ kiểu sức mạnh nào. Về sức chịu đựng, nữ giới chịu đói khỏe hơn, sống lâu hơn với chịu bệnh dai hơn. Thêm nữa, nếu cho rằng nam giới khỏe hơn nữ giới nên nắm quyền thống trị, thì ông ý không thấy liên hệ trực tiếp nào giữa "social power" và "physical strength". Thực tế những người làm việc chân tay mang vác nặng thường từ tầng lớp thấp hơn. Có một lý thuyết cho rằng sự thống trị của nam giới không phải đến từ sức mạnh mà từ sự "hung hăng" (aggression). Thế nên lịch sử loài người suốt ngày thấy chiến tranh choảng nhau đẫm máu? Ông ý đưa nhiều ví dụ hơn em nên nếu chị thích em có file epub gửi chị. Ông ý trả lời những big questions bằng plain english nên em thấy rất ấn tượng.

    Về cuốn talent is overrated, em đọc cuốn này rồi chị ạ. Nó ảnh hưởng em rất mạnh mấy năm trước, phần lớn vì em là vận động viên và em cực kì ghét từ "số phận" và từ "định mệnh". Nhìn chung em luôn có cái nhìn hướng về nurture nhiều hơn, dù nature và environment cũng ảnh hưởng một phần nào đó.

    Em rất rất ấn tượng về blog của chị. Em luôn mong mình có thể đủ ý chí để làm một cái blog tử tế. Theo cảm nhận của em chị là một người rất quan tâm đến social and intellectual issues. Em mong sẽ được đọc những posts sắp tới của chị :V

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn em đã chia sẻ. Nếu em gửi được cho chị quyển sách thì tốt quá. Em mét xít vào cái trong goodreads đc k?

      Ý tưởng học của cái trường kia quả thực là thú vị. Ước gì cũng đc học ở môi trường tự do như thế. Chị chỉ thấy như ngày xưa học giả Hy Lạp học ntn? Làm gì có lớp học to đùng cả trăm học sinh mà chắc chỉ là một nhóm nhỏ trao đổi giúp đỡ kèm cặp nhau.

      Để phổ biến được một mô hình như thế đòi hòi chất lượng giáo viên ntn? Tinh thần học sinh ntn, và môi trường làm việc tương lai ntn. Vs một số ngành xã hôi học, sử học, triết lý có lẽ là quá ổn. Nhưng với các ngành tự nhiên, làm thế quả thực mất rất rất nhiều tài nguyên. Mà em biết đấy, những ngành như y học thì phải học tới 10 năm. Hóa học sinh học vật lý có lẽ ở giai đoạn đầu của việc học tức là 4 năm đại học thì chỉ có học fact fact và fact thôi chứ chưa đc đụng mấy tới các mô hình lý thuyết đang đc thảo luận gần nhất, vì nó khó quá mà.

      Tiếp nữa, áp dụng đc ở đâu? Các nước đang phát triển nguồn nhân lực cần là gì? Họ có tài nguyên cho nó k.

      Ý chị là, có vô số lý thuyết về việc học thế nào là hay, thế nào là hiệu quả, thế nào là giúp con ng ta phát triển đầu óc nhất, tiềm năng nhất. Nhưng mà cũng đừng quên thực tế. Những ng như em (và chị), hay các technocrats thường có những ý tưởng rất hay, rất đúng (trên lý thuyết), nhưng để xã hội adopt đc nó thì phải từ từ một chút, vì nó liên quan tới việc thay đổi quan điểm con ng. Mà thay đổi quan điểm con ng là thứ khó nhất trần đời. Lâu rồi chị thấy, đôi lúc cần biết thỏa hiệp.

      Về phần phụ nữ/nam giới, chắc cái em đang hướng đến là "vì sao lại thế", quay ngc lại lịch sử. Cái này có vô số lý thuyết và chắc mấy ng học nhân chủng học thích trả lời (chị ít đọc). Nhưng cái chị quan tâm hơn là cái gì "sustain" nó, khi mà xã hội này ít bạo lực, ít chiến tranh hơn tẹo, và làm gì để thay đổi? Bi quan cũng đc, mà lạc quan cũng chả sao. Nhưng chị chọn lạc quan một chút, dù nhiều lúc thấy hơi bitter, vì dù có thua cũng phải chơi tiếp em ạ.

      Cảm ơn em. Chị gần đây ít đọc sách nên cũng chẳng có gì để viết... Em viết đi. Ban đầu chị cũng ngần ngừ mãi vì mong muốn viết cái gì nghe trưởng thành, nghe đúng đắn tí, ko bị trẻ con quá. Nhưng đợi đến lúc ta biến thành nhà thông thái thì còn khướt. Cứ viết và có sai thì sửa :P

      Delete

Post a Comment

Popular Posts