Biến mất

Tội ác lớn nhất là gì?

Theo tôi, là sự lãng quên.

Người ta hỏi, học sử làm gì? Có vô số lý do nên đọc và học sử được nêu ra, nhưng tạm không đề cập tới những quan điểm ấy. Vì có khi đơn giản lắm, đôi khi, tôi nghĩ, học sử là để tưởng nhớ.

Một ng bạn của tôi chia sẻ một câu chuyện mà nó thấy giống chuyện ma.
Cách đây gần 4 năm thì mình có lên phố Tô Ngọc Vân một lần, có mang về một cái hóa đơn in làm kỉ niệm. Hôm nay có việc đi qua đấy một lần nữa, tìm lại đoạn cũ thì không thấy cái quán kia ở đâu cả. Mà cái hóa đơn ngày xưa thì cũng bay hết mực lâu rồi, chỉ còn là một mẩu giấy trắng. Giật mình nhận ra là không còn gì chứng minh là đã từng có một chuyện như thế xảy ra cả, và nếu một ngày mình quên mất cái kỉ niệm ấy thì cũng coi như chưa xảy ra thật luôn

Tôi đọc thì bật cười. Thế rồi chầm chậm nghĩ lại về cái gọi là quá khứ-hiện tại-tương lai, về thời gian. Xã hội ngày nay dễ có nhiều thứ để ghi lại quá khứ quá. Đài báo giữ lại thông tin dễ dàng trên mạng, trên máy tính. Chúng ta cũng có máy ảnh, có smartphones, có cloud drive. Đi đến đâu, nhón tay chụp một cái tạch. Thế là xong, phập, một mẩu ký ức được gắn lên một bộ lưu trữ nào đó và chúng ta đi tiếp.



Mẹ tôi hay ép tôi chụp ảnh, để làm kỷ niệm. Không chụp, bao nhiêu năm sau, biết đâu là đâu. Trí nhớ của con người nó độc ác lắm, mà thời gian thì tàn nhẫn. Nhưng chụp xong, những gì ta nhớ là gì? Là ký ức ấy, là trải nghiệm ấy, hay ta chỉ nhớ là ta đã từng có tấm ảnh ấy còn ký ức kia mới thật mờ nhạt làm sao? Đến chính mình còn không nhớ về mình, liệu ai nhớ về mình.



Một người bạn khác của tôi từng chia sẻ với tôi về sự thích thú của cô ấy với Joseph II, một hoàng đế của nước Áo. Có lẽ đại đa số chẳng ai biết Joseph là ai. Bạn tôi kể về Joseph là một người thú vị như thế nào, ông đã cố gắng ra sao, nhưng cuối cùng lịch sử liệu có nhớ tới? Họ nhớ tới Joseph có phải vì ông là ông, hay vì người mẹ vĩ đại Theresa, hay vì Mozart?

Điều tôi muốn nhắc tới là cái mong muốn không bị lãng quên. Có lẽ cuộc sống quá ngắn ngủi và lòng tham của chúng ta thì chưa bao giờ là hết, ta mong muốn được tưởng nhớ. Nhưng ai nhớ dùm ta? Có con cháu cũng là một loại giúp tưởng nhớ. Nhưng rồi thì tất cả phai nhạt chỉ còn lại cái tên. Trong lịch sử này đã có biết bao nhiêu người muốn được tưởng niệm tới. Họ ghi tên mình vào lịch sử bằng những chiến tích lừng lẫy của bản thân. Họ bước chân vào sự bất diệt bằng nỗ lực, bằng cống hiến của mình, trong chính trị, khoa học, trong văn học, trong nghệ thuật, kiến trúc, v.v.

Họ, có thể có tên, mà cũng có thể không tên. Nếu như lịch sử trước thể kỷ 20 chỉ xoay quanh chính trị và các cá nhân cầm quyền, thì sự thay đổi phải nói là khủng khiếp của bộ môn sau này đã đem cả những người không tên vào lịch sử. Social history, economic history, cultural history, thậm chí là cả oral history. Dân đen cũng đc nhớ tới. Những người thất bại cũng đc nhớ tới, chứ không còn chỉ là những kẻ chiến thắng. Giờ đây có vô số cách tưởng niệm quá khứ. Đúng hay sai, chẳng ai biết. Chẳng có gì là hoàn toàn chính xác và để tái hiện lại lịch sử hoàn hảo là điều không tưởng, nhất là khi có vô số cách nhìn từ các cá nhân khác nhau trong xã hội. Nhưng chỉ cần được tưởng nhớ thôi, cũng đã là đẹp biết mấy. Theo một cách nào đó, họ không hoàn toàn chết đi.






Thế nên tôi đau lòng, đau lòng khi Isis phá hủy công trình nghệ thuật cổ ở Iraq (Gates of Nineveh). Dù là một mẩu nhỏ, mẩu nhỏ của quá khứ thôi cũng khiến tôi thương tiếc muốn lưu trữ.

Thế nhưng tôi cũng bật cười. Hagia Sophia đã bao nhiêu lần bị phá, rồi tu sửa, phá, tu sửa. Có những thứ phải bị xóa đi, bị phá hủy, để trên cái nền ấy người ta lại xây mới, và biết đâu đấy, nó đẹp và huy hoàng bởi chính hàng lớp hàng lớp lịch sử vẽ trên nó. Nhưng tôi cũng khóc, Hagia Sophia bị tàn phá vì xung đột tôn giáo. Và giờ đây những thứ ấy vẫn xảy ra. Hagia Sophia may mắn vì Constantinople là một trung tâm của những đế chế hùng mạnh, nhưng thời kỳ huy hoàng của Iraq đã lùi đi quá xa, và Nimrud, cũng như hàng trăm hàng nghìn các công trình kiến trúc và nghệ thuật khác, có lẽ không có được số phận tốt đẹp ấy.

Những thứ vật thể ấy có lẽ rồi sẽ phải biến mất. Nhưng quá khứ vẫn được lưu trứ bởi trí nhớ, bởi kiến thức, bởi sách vở. Tôi muốn học lịch sử vì tôi muốn nghe thấy tiếng nói của quá khứ. Họ là ai, họ nghĩ gì, họ làm gì, họ buồn họ vui?

Và nếu kiến thức cũng mất đi thì thật đáng sợ. Có một cuốn sách khác của Guy Gavriel Kay cũng viết về sự tưởng nhớ, về nỗi đau khi quá khứ bị xóa sổ, bị đánh cắp. Cuốn sách có tên là Tigana. kay viết về một thế giới giả tưởng dựa trên nước Ý, viết về những người con của một vùng đất đã mất đi chính lịch sử và chính cái tên của vùng đất của mình. Cuốn sách là sự chiến đấu giành lại quá khứ. Xóa đi lịch sử quả thực là một tội ác.

Đã mất bao nhiêu lâu người ta mới tìm lại được một phần tri thức của Hy Lạp. Chẳng bao giờ biết hết thư viện Alexandria có những cuốn sách gì. Chẳng bao giờ biết hết những tư duy triết học lỗi lạc của Trung Hoa thời Xuân thu chiến quốc bị xóa sổ bởi Tần Thủy Hoàng.

Thật khủng khiếp. Họ đã biến mất, biến mất mãi mãi, có khi là không còn một dấu tích. Biến mất.


Comments

Post a Comment

Popular Posts