Tại sao - Determinism và Xác suất

Tôi chả có một sự yêu thích kỳ diệu với toán học như nhiều người. Tôi đến với kinh tế chỉ vì một câu hỏi: Tại sao chúng nó giàu mà chúng ta nghèo?

Nếu học mà giải quyết được vấn đề phát triển thì hay quá, nhưng tôi không có cái ảo tưởng ấy. Tôi chỉ đơn giản muốn biết xem tri thức trên thế giới này đang có những cách nào tiếp cận với câu hỏi ấy. Kinh tế học chỉ là một trong những phương pháp ấy mà thôi, và tôi tình cờ có vài kỹ năng liên quan. Vậy nên đi học.


Câu hỏi về vấn đề giàu nghèo suy cho cùng là một câu hỏi về lịch sử, vì phát triển kinh tế quá mức gắn liền với phát triển chung của xã hội, nhất là về mặt chính trị. Nhưng ai học lịch sử cũng biết, trả lời câu hỏi "tại sao" về bất cứ thứ gì, khó đến mức nào.




Thí dụ ngớ ngẩn sau đây, có 4 sự kiện xảy ra theo thời gian: A, B, C, D. D là sự kiện ta chứng kiến cuối cùng và là sự kiện ta muốn giải thích. Liệu có phải A dẫn tới B, dẫn tới C, rồi dẫn tới D? Hay còn sự kiện E nào đó ẩn nấp xung quanh mà tư liệu không tồn tại? Giả sử không có E đi, nếu thế sự kiện nào mang tính chất quyết định, A, B, hay C? Mà giả dụ là A, tại sao lại có A?


Có lẽ có bạn đã đọc cuốn sách "Súng, Vi trùng, và Thép" của Jared Diamond, một giáo sư nghiên cứu địa lý, sinh học, và nhân chủng học. Cuốn sách cố gắng trả lời một câu hỏi vô cùng lớn: sự phát triển của thế giới. Tại sao Eurasia phát triển hơn những vùng khác trên thế giới? Sách cố gắng đi đến tận cùng cái cốt lõi của câu hỏi vì sao.



Tác giả có một bụng kiến thức và đọc ban đầu thì thấy thật thuyết phục. Đáp án của Diamond, tôi xin được phép tóm gọn, gần như là chua xót thế này: vì địa lý, vì khí hậu và sinh học. Ông giải thích trục địa lý của mảng lục địa Á-Âu là trục ngang, giúp cho việc trao đổi thuận tiện về kiến thức, văn hóa, công nghệ, sinh vật, và con người vì sự biến đổi về điều kiện khí hậu và tồn tại của sinh vật theo trục ngang là không nhiều: cùng trên một khoảng vĩ tuyến nhất định. Thay vào đó, ví dụ như châu Mỹ với trục Bắc Nam gây cản trở rất lớn tới việc trao đổi vì môi trường biến đổi rất lớn và thậm chí còn là khắc nghiệt. Châu Mỹ hay châu Úc thêm vào đó lại biệt lập. Còn châu Phi cũng được bố trí theo trục Bắc Nam, lại còn bị cản trở bởi sa mạc.


Tương tự, khi học về lịch sử kinh tế, tôi cũng bắt gặp nhiều bài nghiên cứu quy các sự kiện về một mối là về địa lý. Ví dụ, thôi tôi chẳng nếu tên tác giả ra đây vì chắc mọi người cũng chả quan tâm, có tác giả phân tích về việc tại sao châu Âu lại phát triển thông thương trên biển hơn châu Á, mà sự mua bán qua biển này được nhiều người cho là mang tính chất quyết định tới vấn đề đô hộ sau này. Vào thế kỉ 17, châu Âu kém xa Tàu về công nghệ đường biển. Dưới thời Khang Hi, xây dựng tàu thuyền xịn hơn Bồ đào nha nhiều. Hàng đống thuyền của Tàu dạo quanh châu Á và Nam Á huênh hoang về sự giàu có và phát triển của Trung Hoa bấy giờ. Thế nhưng đáng tiếc, giao thương quốc tế chỉ được chú trọng dưới thời của Khang Hi, còn sau đó thì Tàu đóng cửa biển của mình.

Tại sao? Xét về bản chất Tàu có điều kiện phát triển thương nghiệp hơn nhiều: có vốn, có kỹ thuật. Tác giả giả lời: vì Tàu chả cần buôn bán. Bản thân Trung Hoa đủ lớn và đủ tự cung tự cấp, nó chả có nhu cầu mua bán thêm cái gì. Thêm nữa, Tàu lúc bấy giờ quả thực là giàu có và văn minh nhất thế giới, tại sao phải xuống nước gặp bọn khác? Trong khi đó, châu Âu với một đống nước bé bé ra sức cạnh tranh nhau, ganh đua với nhau, vầy nên thúc đẩy nữa quá trình phát minh cũng như hải thương.

Tại sao châu Âu lại có một đống nước be bé? Á à, vì địa lý.


Cũng có một lần khác, đọc cuốn "A History of the Vietnamese" của Keith Taylor, tôi thấy tác giả có đề cập rất hay về vấn đề thuộc địa như thế này. Thế kỷ 18 cả châu Á nằm dưới sự đe dọa của đô hộ. Tàu cuối cùng thoát là bởi nó quá rộng, nhân lực có thể tiếp tục lùi sâu vào lục địa, tản ra và chống cự lại sự đô hộ hoàn toàn. Chẳng thế mà phải cả đống nước xâu xé Tàu, có thằng nào ăn được cả nguyên con. Việt Nam, thay vào đó, mỏng, nhỏ, bé, nằm ngày dưới Tàu. Anh đã chiếm được Miến Điện làm bàn đạp thâu tóm tiếp Tàu, Pháp e sợ và thích cạnh tranh nên chiếm Đông Dương để nhăm nhe  cũng ngắm lên phía Nam Trung Quốc. Thái Lan thoát vì nó kẹp giữa hai bên, Anh và Pháp.

Taylor cũng nhận xét về Việt Nam: một đất nước với tình trạng địa lý đặc biệt. Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử Tàu, nó chỉ là một đất nước nhỏ bé, phải liên tục trông chừng một con thú săn mồi nguy hiểm bên cạnh - một nền văn minh quá lớn, quá rực rỡ. Nó chưa bao giờ bị tóm gọn bởi vì địa lý, nhưng nó cũng chưa bao giờ thoát cũng bởi vì địa lý. Nó hấp thu những thành quả của nền văn hóa ấy, mà cũng chua sót muốn tách mình ra khỏi tầm ảnh hưởng ấy.


Bản thân tôi, và có lẽ cũng rất nhiều người, không thích cái câu trả lời là địa lý. Nó mang một ý nghĩa đầy đau khổ: determinism (tạm gọi là thuyết quyết định). Thế giới phải thế. "Chúa" quyết định như thế. Một con xúc xắc tỉ mặt được tung lên tại thời điểm 0, bụp, và thế giới phải thế.

Nếu bạn là một nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội, bạn sẽ càng oán hận hơn cái đáp án ấy. Còn ý nghĩa gì nữa đây? Nó cũng hàm ý rằng chẳng ai có trách nhiệm, có lỗi trong, ví dụ là sự phát triển giàu và nghèo này. Tao giỏi vì tao phải giỏi. Mày dốt vì mày phải dốt. Chúng ta có thể làm được gì? Chả làm được gì.



Sự giằng co giữa determinism và free will là một câu hỏi liên tục được đặt ra với các nhà khoa học và triết học trong lịch sử. Newton điên đầu giữa chúa và những định luật mà ông đưa ra. Nó cũng là câu hỏi trong nhiều tôn giáo mà Luther và Erasmus đã suy nghĩ: chúa quyết định tất cả, hay chúng ta có thể làm gì đó để thay đổi cuộc đời này? Thế kỷ 20-21 ngỡ tưởng thoát khỏi "vận mệnh" rồi và ngỡ rằng ta đã làm chủ được cuộc đời của mình, thì hóa ra cũng chả phải thực đã thoát.


Tôi cũng không rõ trong giới trí thức thì phản đối lại determinism, đặc biệt là determinism như kiểu địa lý thế này như thế nào. Tôi không đọc và học mấy về chúng nó. Nhưng suy nghĩ của tôi giản dị thế này. Thay về determinism, hãy nghĩ về "chance" và "uncertainty." Hãy nghĩ về con xúc xắc. Hãy nghĩ rằng tại mỗi thời điểm con xúc xắc ấy lại được tung lên một lần. Hãy nghĩ lại và thấy rằng trên thế giới này hàng tỉ thứ được quyết định, không phải vì "sự nó phải thế" mà vì "chẳng may tình cờ nó như thế."



Châu Âu thế kỷ 16, 17 đã mấy lần suýt rơi vào tay đế quốc Ottoman, nhưng rồi toàn vì "chẳng may" mà châu Âu thoát. Thay vì cảm ơn chúa và cho rằng châu Âu phải được sống, thì tôi thấy, chúng mày thật ăn may. Có những cuộc chiến được quyết định chẳng phải vì một nguyên do khủng khiếp nào mà là vì xác suất. Daniel Kahneman, một nhà tâm lý học trong cuốn sách nổi tiếng của mình Thinking, Fast and Slow, đùa vui thế này: nếu Hitler, Stalin, và Mao Trạch Đông là nữ giới? Xác suất thế giới như thế tồn tại là 1/8.


Thế giới đã diễn ra như thế, lịch sử đã diễn ra như thế, không có nghĩa là nó không thể diễn ra khác đi. Có biết bao nhiêu sự kiện và biết đâu đấy chỉ cần xác suất thay đổi trong một vài sự kiện chính là thế giới này sẽ biến khác bởi hiệu ứng con bướm. Thay vì nghĩ rằng mày sẽ luôn giỏi và tao sẽ luôn dốt, thì có lẽ có thể hiểu rằng, ngoại trừ rất nhiều những nỗ lực bản thân, có vô vàn yếu tố may mắn có thể thay đổi tình thế. Khi đánh giá một cá nhân, một sự kiện, một vấn đề, ta không chỉ nhìn vào kết quả mà cần nhìn vào quá trình.

Nếu nghĩ như thế thì quả thực con người vẫn nhiều phần vô lực. Thay vì determinism, ta rơi vào cái cũi của xác suất. Nhưng tôi không nghĩ hai cái cũi này giống nhau. Determinism nói ta vùng vẫy thế nào cũng không được. Còn xác suất nói, nếu sự kiện kia được lặp lại, có thể mọi thứ sẽ khác. Xác suất cũng không nói rằng mọi cố gắng đều là vô nghĩa, nó chỉ cho thấy mưu sự tại nhân, mà thành sự nhiều phần tại thiên chứ chẳng phải hoàn toàn tại thiên. Ta có thể tìm cách tăng xác suất, ta có thể lựa chọn.



Nghĩ như thế để khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao ta không cảm thấy vô vọng, nghĩ như thế để khi đưa ra cách giải quyết ta không mù quáng mà cũng chả thấy bất lực. Ta đã cố gắng hết mình, dù thành hay mất, vẫn đáng, vẫn không hối hận.


Câu hỏi tại sao là một câu hỏi về quá khứ, nhưng với tôi thực chất nó hướng về tương lai.

Comments

  1. Cảm ơn chị. Bài viết rất hay ạ. Em thành người hâm mộ của chị mất thôi :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi cảm ơn em. Cũng là người duy nhất...

      Delete
  2. em là người thứ hai, chị ạ. Mà không chắc lắm, vì có n người xem và âm thầm tâm đắc mà không bình luận gì ấy chứ :D

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular Posts