BTC Phần I: GP - HĐ

Review chung về cuốn sách ở đây. Bài viết này lại là những cảm nhận lăng nhăng của tôi về một vài chi tiết trong cuốn sách.

Tôi không dám kỳ vọng nhiều về cuốn sách. 400 trang sách x 2 quyển, liệu có thể xoay toàn bộ đất nước xuyên suốt 30 năm không? Mà khi nói về 30 năm ta đâu phải chỉ nói về mỗi chúng? Cần phải có hiểu biết về cả trăm năm trước đó. Thế nhưng ngoại trừ chương đầu tôi thấy khá rối rắm khi nói về các lực lượng quân sự, các tiểu đoàn trung đoàn sư đoàn và các tên riêng ra, thì dần tôi cảm thấy khá thoải mái với cách trình bày thông tin của BTC. Khá ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, và đôi khi là rất cảm động nữa.




Về xã hội, Phần 1 của cuốn sách bàn về SG và những thay đổi trong khoảng 5 năm kể từ khi miền Bắc vào giải phóng. Tôi nghĩ cuốn sách giống như một thước phim, lúc phóng xa nhìn toàn cảnh, lúc zoom lại gần nhìn vào những mảnh đời, những thân phận trớ trêu. Đọc mà có lúc cười phá lên:
Theo Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TPHCM Huỳnh Kim Báu: "Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành Ủy hỏi xem: 'Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?'. Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: 'Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả.'"
hay
Giáo sư Châu Tâm Luân thì khi nghe các giảng sư miền Bắc say sưa nói về con đường "tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản" đã mỉa mai: "Sao không tìm hiểu xem sau chủ nghĩa cộng sản là gì để nhân tiện bỏ qua, mình bỏ qua luôn hai, ba bước".  
rồi
Trong một cuộc họp, khi nghe ông Đỗ Mười thao thao nói về "hợp tác hóa", về chủ trương phải đưa những người bần cố nông lên làm lãnh đạo hớp tác và "phải đào tạo họ", GS Luân hỏi: "Nhà nước định đào tạo trong bao lâu?" Ông ĐM nói: "Tình hình gấp rút, đào tạo ba ngày."

Trong một phiên họp toàn thể thảo luận về các chương trình khoa học của TP, sau khi nghe ông Luân tranh luận, một đại biểu trong Hội đồng mặc quân phục đứng dậy xin ngưng cuộc cãi vã, và lớn tiếng: "Các chuyên viên đã để ra rất nhiều thời giờ soạn thảo, đại biểu đó tư cách gì mà đòi sửa qua sửa lại." Ông Luân cố dằn lòng; "Tôi xin ngưng cuộc thảo luận, bởi như vị đại biểu vừa nói, đã có các chuyên viên nghiên cứu cho chúng ta rồi thì chúng ta chỉ còn là chuyên viên giơ tay thôi." Chủ trì phiên họp, ông Mai Chí Thọ không nói gì, chỉ yêu cầu biểu quyết. Nhìn thấy ông Luân khong giơ tay, ông Mai Chi Thọ hỏi: "Ai không chấp thuận?" Ông Luân cũng không giơ tay, ông nói "Toàn thể chấp thuận, một phiếu trắng."
nhưng cũng thật cay đắng
Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: "Những người như kỹ sư Phạm Văn Hai, như GS Châu Tâm Luân..., nếu chỉ khó khăn về cuộc sống họ sẽ vượt qua, nhưng nếu bị đặt vào hoàn cảnh không thể đóng góp thì họ không chịu được.
...
Ông Kiệt đã nói khá chân thành "Anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường." Cả hội trường im lặng. Rồi, gs Nguyễn Trọng Văn đứng lên: "Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi phải là các anh."
Quan trọng hơn cả:
- Đấy là những năm Sài Gòn đầy những ông đạp xích lô trong khi ngóng khách ở các ngả ba, ngả tư, tranh thủ đọc các cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhiều người trong số họ cũng vừa mới đi tù về.
- Hơn sáu vạn giáo sư, bác sỹ, sinh viên, thanh niên lẽ ra có thể dành những năm đẹp nhất của cuộc đời mình để cống hiến cho xã hội những gì mà họ t hành thạo nhất. Vậy mà, để được chế độ thừa nhận, họ đã phải xuống biển, lên rừng, bàn tay chai sần đi và kiến thức chuyên môn thì mai một.
- Mãi cho tới gần cuối thập niên 1980, ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, người dân vẫn phải xoay xở bằng cách nuôi heo, nuôi cá trê phi để sống... Ở HN, cán bộ viên chức cũng phải xoay xở. Có một giai thoại nổi tiếng về GS Văn Như Cương. Ông bị người dân trong một khu tập thể ở HN kiện vì nuôi lợn trong căn hộ của ông ở tầng 2 làm mất vệ sinh. CHính quyền khu phố tới nhà phê bình và ghi vào biên bản: "GS Văn Như Cương nuôi lợn ở tầng hai." Ông không phản đối nhưng trước khi ký nhận chỉ xin sửa lại: "Lợn nuôi GS Văn Như Cương ở tầng hai 
Mẩu chuyện của Đoàn Kế Tường, rồi thơ của Đỗ Trung Quân, rồi mấy câu chuyện của học sinh sinh viên, của những gia đình có thân nhân là trong chế độ cũ, phải đi "học tập". Đủ cả các hoàn cảnh éo le mà tôi không thể nào trích ra hết. Gia đình, xã hội, giá trị đạo đức và con người là những thứ tôi quan tâm hơn cả và là mặt được tác giả phản ánh tôi thấy là sâu đậm nhất, thương cảm nhất. Bởi vì số phận con người phải là thứ được đứng lên hàng đầu.




Về kinh tế, đọc mấy phần áp dụng chính sách mới lên miền Nam, tôi nhăn trán khi đọc những dòng báo tít được trích lại trong sách. Sau 75, và trước khi chế độ mậu dịch quốc doanh được áp dụng (tức là xóa bỏ hoàn toàn tư thương), khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng chóng mặt, đời sống người dân khổ ải, thì kết luận từ những bài báo này dĩ nhiên là đổ lỗi cho một kẻ "địch" rất chung chung và mơ hồ: tất cả là do bọn đầu cơ tích trữ, bọn gian thương, bọn lưu manh; chúng lũng đoạn thị trường, phản động, phản cách mạng, v.v. Thú thật là đầu tôi khi ấy nghĩ ngay tới biểu đồ giản dị trong lớp kinh tế học 100: cung và cầu, chứ chưa kịp tính tới những "kẻ địch" khủng khiếp kia.

HĐ kể khá kỹ phần nhen nhóm đổi mới, thế nhưng ông lại kể nhiều về mặt chính trị trong khi tôi rất tò mò về bản chất kinh tế cũng như các số liệu về đời sống vật chất của người dân. Nếu nhà báo có thể nói thêm chút về miền Bắc thì tốt biết mấy. HĐ trình bày sự việc Giá-Lương-Tiền năm 85/86 cũng không rõ ràng, chưa có giải thích về hệ thống và mục đích cải cách.

.

Về chính trị, có một phần của cuốn sách khiến tôi rất băn khoăn, ngờ vực và thấy rất thiếu thoải mái khi tác giả nói đôi chút về cuộc đời tư của Lê Duẩn. Thú thật, thứ nhất là tôi không nghĩ là sách nên đề cập nhiều mẩu chuyện nho nhỏ và rất riêng ấy vào một cuốn sách có phạm vi như thế này (về đời sống kinh tế xã hội chính trị của VN nói chung), cho dù ông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết kế đất nước. Tôi vẫn cho rằng chỉ cần đề cập rất đôi chút và chúng nên được cho vào trong các cuốn tiểu sử thì hợp lý hơn.

Hai là, các mẩu chuyện đa phần đều khen. Không, có lẽ đó là con người là đáng khen, đáng hâm mộ thật, nhưng có những lời khen làm tôi hơi... cảm thấy không thoải mái. Vd như HĐ trích lời của Đậu Ngọc Xuân: khi LD đi Hải Phòng nghỉ ngơi , đồng chí đi tắm biển nhưng không tắm và tựa như đang suy nghĩ giữa biển, giữa dòng nước (!!?).

Ba là, có phần LD đọc điếu văn cho HCM và khóc và có lời nhận xét "đáng lẽ" nghe rất cảm động là: Anh Ba (tên gọi thân mật của LD) chưa bao giờ khóc nhưng lần đó anh khóc. Tôi hoàn toàn bị chấn động. Đọc HCM: Một cuộc đời của Duiker thì tôi đã mang sẵn trong mình tư tưởng là từ những năm 50 trở đi khi HCM đưa LD từ Nam vào thì LD ngày một cầm quyền nhiều hơn và phản đối rất nhiều chính sách có phần mềm dẻo hơn của HCM, LD chê bai rất nhiều "vị cha già dân tộc" này (dĩ nhiên là khéo thôi - nói tới "một số đồng chí"), và điều này được ghi lại trong các văn kiện trong các cuộc họp. Bảo tôi xoay 180 độ ra nghe LD là người nối tiếp chính sách con đường của HCM tôi chưa thể đồng ý.

Dĩ nhiên, hình ảnh LD khác nhau như vậy là do các tài liệu, các nguồn khác nhau, và để nhìn nhận một con người quả là khó và chúng ta phải đọc rất nhiều càng đa dạng càng tốt và không nên thiên vị với một nguồn nhất định nào cả. Đây chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi. Về sau, HĐ bàn nhiều hơn về các hoạt động chính trị của LD và phần này mới là phần quan trọng và đáng để tâm hơn cả. Tác giả chỉ ra điểm yếu nhất của LD: khả năng tư duy (ouch!) Đứng trước công cuộc xây dựng đất nước sau "giải phóng", LD cũng như rất nhiều người khác hoàn toàn không biết nên làm gì và phải mò mẫm.

.

Tương tự, khi cuốn sách nói về Trường Chinh cũng khiến tôi rất lưỡng lự mãi. Đúng thực là TC là người đóng vài trò tạo nên ý thức hệ rõ ràng và giúp hoạt động chính phủ có lối đi hơn, nhưng không thể không nói rằng có lúc ông quá đề cao lý thuyết và gây ra cực đoan. HĐ viết TC phải đứng ra chịu trận nhận sai lầm cải cách ruộng đất 1950s của HCM và phải từ chức tổng BT, tuy nhiên theo như Duiker, TC chính là người đúng thực phải chịu trách nhiệm về chính sách này và tuy TC tuy rời vị trí nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng và có tầm ảnh hướng rất lớn. Phần này tôi không biết nên theo bên nào.

Còn nếu như những gì HĐ thu thập được là đáng tin cậy thì tới 1980s TC trở nên rất cởi mở và say mê học hỏi, tìm cách để cải cách. Ông đến tận cơ sở và chứng kiến đời sống thực sự của dân chứ không còn chỉ dựa vào báo cáo nữa, vì vậy mà ông đưa ra những quyết định thay đổi đường lối rất mạnh bạo. Cải cách bắt đầu từ đây.

Có thể tóm gọn về nhận định của HĐ như thế này: LD nhận thấy được sự khó khăn kinh tế từ ngay 75 nhưng không đủ khả năng thiết lập hệ thống tư tưởng như TC, dù ông rất muốn và rất tận tụy. Còn TC thì bảo thủ quá cho tới tận những năm 80 mới thay đổi nhưng dù sao cũng là thay đổi một cách kịch liệt. Cũng là một cách nhìn đa chiều và hiền hòa phết. Có một số nv khác thì bị xem xét tiêu cực hơn nhiều, như Lê Đức Thọ; hay hầu như toàn tích cực như Võ Văn Kiệt. LDT trong HCM: Một cuộc đời cũng không được tô điểm tốt đẹp lắm. Còn VVK thì tôi không rõ. Nhưng dĩ nhiên tôi cũng cảm thấy hoài nghi nhiều phần về mức độ chính xác của các tài liệu tiểu sử hồi ký v.v. của hai người này.


...

HĐ không đi sâu vào  quan hệ quốc tế nhiều, và thực sự là tôi sau khi đọc cuốn HCM: Một cuộc đời, thì cảm thấy rất đỗi quan tâm tới phạm trù này. VN là một nước nhỏ, một nước nghèo nàn thiếu thốn và tụt hậu, vậy nên ngoại giao là vô cùng quan trọng. Tôi tò mò chi tiết việc dựa vào hoặc LX hoặc TQ rồi nỗ lực đàm phán với Nhật hay Mỹ, và mối quan hệ với các nước trong Đông Nam Á và tất nhiên là với Campuchia. Tác giả có viết, nhưng dĩ nhiên ông không có nhiều kinh nghiệm như Duiker nên cái nhìn không thể sắc bén bằng. Ông cũng là một nhà báo hơn là một nhà sử học. Nhưng có lẽ thế đã là đủ cho chúng ta hiểu qua rồi.

Comments

Popular Posts