BTC phần II: QB và câu chuyện Kinh tế

Tuy tập 2 của BTC có tiêu đề là Quyền Bính, nhưng tôi muốn đề cập tới nội dung của việc sử dụng quyền lực chính trị ấy hơn: dĩ nhiên đó là câu chuyện Kinh tế.

Câu chuyện suy cho cùng là một trận chiến giữa mở hay không mở. Một bên cố nắm giữ lấy ý thức hệ CS và tiêu biểu thể hiện ở tư liệu sản xuất như đất đai, và về sau khi buộc mở cửa ít nhiều rồi thì muốn cầm quyền bằng các doanh nghiệp nhà nước và vẫn không chịu tư hữu toàn bộ đất đai. Bên này tạm gọi là bên hữu gồm các nhân vật như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu. Bên còn lại, bên tả, thì yêu cầu tha thiết đổi mới, thị trường hóa nền kinh tế, giao thương với nhiều nước hơn trong khu vực và thế giới, đòi sửa đổi các luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tiêu biểu bên tả là Võ Văn Kiệt, và tiếp nối là Phan Văn Khải.




Cái tên "đổi mới" khởi xướng từ 1986 và thực sự có hiệu lực từ 1991 dưới nhiệm kỳ thủ tướng của VVK đã thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân một cách chóng mặt mà không ai có thể phủ nhận. Thế hệ như thế hệ của tôi quả thực là may mắn khi sinh ra dưới thời bình, được ăn uống lớn lên đỡ đói khổ hơn so với thời bao cấp, và trưởng thành thì đón nhận chút "thành quả" của "đổi mới." Dĩ nhiên HĐ đã chỉ ra nhiều phần bế tắc trong cơ cấu nhà nước, và vì thế mà bất ổn trong nền kinh tế, như hiện giờ dưới nhiệm kỳ TT Nguyễn Tấn Dũng, khó mà thay đổi được. Tác giả nhấn mạnh sự khó lay chuyển của hệ thống ấy, và dự báo để sửa đổi là vô cùng khó khăn. Xuyên suốt là một nhận định chìm rằng chỉ có cải cách, chỉ có mở cửa mạnh bạo, giao thương nhanh chóng mới là tốt nhất cho đất nước.



Nhưng xin hãy dừng lại một chút trước khi tung hê "hội nhập."

HĐ có lúc nhận xét rằng vận nước thật là éo le. Bình thường khi chính sách nghe theo TQ thì nghe phải những chính sách sai lầm, tới lúc tên láng giềng có thay đổi tích cực trong kinh tế thì mình lại quay đi. Tôi cũng thấy vậy. Nhưng thỉnh thoảng có khi trong cái rủi cũng có cái may, và không nên quá bi quan.  Bỏ lỡ ký hiệp định thương mại Việt Mỹ năm 1999 với nhiều cơ hội đầu tư nước ngoài cho TQ chưa chắc đã là quá sai lầm.

Vì tôi cho rằng việc cải cách mở cửa quá nhanh chưa chắc đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp đến như thế để mà tiếc nuối. Giao thương quốc tế, mở của thị trường cho các tập đoàn lớn của nước ngoài vào đầu tư có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề, và thực tế là "toàn cầu hóa" gây ra rất nhiều tranh cãi. Nó đã đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gây ra không kém cái tai hại cho nhiều nước đang phát triển.

Thập kỷ 80 và 90 nổi lên một xu hướng giúp đỡ các nước phát triển với các chính sách được khuyến khích như: tự do thương mại, xóa bỏ rào cản thuế quan, giảm chi tiêu nhà nước, giảm lạm phát bằng mọi giá, mở của thị trường tín dụng, tài chính, vốn. Thế nhưng sự phát triển thị trường tài chính và mở của nó gây ra khủng hoảng trầm trọng khi những nhà đầu tư từ các nước phát triển đầu cơ tích trữ và tựa như là chơi bạc trên thị trường tài chính và hối đoái của các nước đang phát triển. Tín dụng quá dễ dãi khiến tăng nợ xấu, để khi sắp phá sản một loạt thì IMF và WB và chính phủ nước phát triển can thiệp, đồng ý cho vay để trả nợ cho chính những nhà đầu tư từ các nước phát triển đó, và lại còn kèm theo những chính sách còn tai hại hơn với nền kinh tế. Ví dụ như đòi tăng lãi suất khiến doanh nghiệp càng phá sản. Ví dụ như yêu cầu tài khoản quốc gia phải dư thừa, khiến cho không dám đầu tư vào thị trường. Nền kinh tế càng thêm suy thoái, càng không thể phục hồi. Tiêu biểu là khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhất là ở Thái Lan và Indonesia.

Tự do thương mại ngay cũng chưa hẳn đã tốt. Đầu tư FDI luôn được coi rất tích cực, nhưng chưa chắc đã mang lại nhiều kết quả tích cực như thế. Các doanh nghiệp cả tư nhân và nhà nước còn đang non nớt thì phải đối đầu với cạnh tranh từ các tập đoàn đa quốc gia, chẳng mấy chốc mà tàn. Người ta bảo cạnh tranh mới tìm được các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp thiếu hiệu quả thì trên cái luật sinh tồn của rừng xanh ấy sẽ tự khắc bị loại bỏ. Ối, nhưng sao lại so sánh những doanh nghiệp vừa mới chập chững vào đời được 2, 3 năm với những tập đoàn đã sớm được phát triển hàng trăm năm khác? Chang Ha-Joon trong cuốn Bad Samaritans có một ví von rất hay thế này: ông so sánh các ngành công nghiệp trong nước phát triển như đứa con trai mới 3 tuổi của ông, và việc bắt công nghiệp trong nước cạnh tranh với quốc tế còn quá sớm chẳng khác nào vứt đứa con ấy ra ngoài đời để "cạnh tranh" cho có "năng lực" hơn. Nếu có người cãi, việc cạnh tranh sẽ giúp nước phát triển phân bố nguồn lực hợp lý vào các ngành có hiệu quả hơn trong nước, Chang sẽ phản bác lại: vâng, đứa trẻ 3 tuổi ấy sẽ trở thành một đứa bé khuân vác chuyên nghiệp, nhưng sẽ chẳng bao giờ được đi học, được đầu tư lên đại học, thạc sĩ tiến sĩ để mà trở thành bác sĩ, thành kỹ sư.

Nhiều nước đã kẹt trong cái tự do thương mại ấy. Mexico sau hiệp định NAFTA phụ thuộc nền công nghiệp vào thị trường tiêu dùng Mỹ trong khi nền công nghiệp trong nước thì đi xuống và tan dần, thay vào đó là chỉ còn tồn tại các ngành công nghiệp phụ trợ. Đó là còn chưa kể cạnh tranh với Trung Quốc đang ngày một gắt gao. Những thông số kinh tế liên tục khen Mexico sản xuất xe hơi và các ngành công nghiệp nặng rất tốt, nhưng thực tế sản phẩm đều là các tập đoàn nước ngoài làm. Công nghệ bó hẹp và đóng kín, không được mở ra với doanh nghiệp trong nước. Toàn bộ dây chuyền sản xuất nằm trong vùng của các doanh nghiệp maquiladoras ở phía Bắc Mexico và không kích thích được các ngành khác phát triển. Tất cả những gì Mexico cung cấp là nhân công giá rẻ. Chưa tính tới một loạt dân số di cư lên Bắc Mỹ, thất thoát một nguồn nhân lực lớn. Báo cáo cho thấy thực ra là người dân Mexico nghèo đi, và sự giàu lên chỉ ở trong tay một số "elite" rất nhỏ nắm nhiều độc quyền trong nước, mua lại từ việc cổ phần hóa các công ty nhà nước vào cuối những năm 80.

Những vấn đề này của "toàn cầu hóa" chỉ mới được quan tâm hơn trong 2 thập kỷ gần đây.



Nói thế không có nghĩa là không nên "hội nhập," là "đóng cửa" và lại tự cung tự cấp. "Toàn cầu hóa" là tiến trình không thể đảo ngược. Chỉ có sống với nó, nhìn nhận mặt xấu và cải thiện nó. Nền kinh tế tập trung, bao cấp, hợp tác xã, rồi tài sản chung của toàn dân, v.v., rõ ràng là không thể thực hiện được và đã đều thất bại. Vấn đề là làm thế nào và khi nào? Không có nghĩa là cứ thả ra, cứ xóa bỏ quốc doanh, là xong là tốt đẹp được. Đầu tư cho doanh nghiệp tập đoàn nhà nước cũng được, như Hàn Quốc đã đổ vào đầu tư tận lực cho Samsung và Hyundai vào những năm 60-80 và về sau mới tư hữu hóa.Nhà nước vẫn đóng vai trò thiết yếu không chỉ trong giám sát mà còn trong điều tiết thị trường, phân bổ lợi ích đồng đều hơn cho xã hội. Bảo về người tiêu dùng, người lao động, tránh độc quyền. Phải đưa ra luật và thi hành luật hiệu quả. Quan trọng nhất là năng lực thực thi của nhà nước. Nếu đầu tư tập đoàn quốc gia như đầu tư như vào Vinashin thì...

Làm thế nào quả là một câu hỏi quá khó, và chẳng riêng mình ai có thể đưa ra câu trả lời. Có lẽ đúng như bài viết nhận xét của Anh Gấu Phạm (ở đây - phần 2) cũng về BTC, câu trả lời hợp lý chỉ có thể có khi nhà cầm quyền biết lắng nghe các quan điểm từ các nhà trí thức, các thành phần khác nhau trong xã hội. Tôi nghĩ đó là lý do có "nhà nước" - có nhiều người tham gia đến vậy không phải là để đóng góp hay sao? Tóm lại là cần dân chủ hóa quá trình đưa ra quyết định. Tôi cũng không quan trọng quyền lực chính trị có cần dân chủ hay không, nhưng ý kiến phải được thu thập và xem xét, thay vì bị gạt đi vì những lo sợ không đâu và tư tưởng hẹp hòi.



Comments

Popular Posts