Hà Lan - phần 1

Hồi học về tranh phong cảnh Hà Lan vào thế kỷ 17, trong lớp tôi có một bạn hỏi giáo sư thế này, tại sao trong những bức vẽ này, bầu trời lại chiếm diện tích lớn tới thế, có phải người Hà Lan có một sự... mê đắm kỳ lạ với bầu trời? Rồi thì những cánh đồng kéo dài ra mãi tới chân trời? Giáo sư bối rối (lĩnh vực bà tập trung nghiên cứu là nghệ thuật Ý), bà nói rằng tranh phong cảnh HL vẽ rất nhiều về ruộng đồng và bầu trời và đời sống miền quê, có lẽ đó là bắt nguồn từ một niềm say mê với đất đai. Và sự rộng lớn của đất có lẽ là đã phần nào được lý tưởng hóa.

Jacob  van Ruisdael - View of Haarlem with bleaching fields in the foreground (ca.1670 )


Hoàn toàn khác với các nước khác ở châu Âu vào giai đoạn này, thị trường nghệ thuật ở Hà Lan phát triển theo hướng biến các tác phẩm nghệ thuật trở thành một thứ hàng hóa thông dụng thay vì một thứ đồ xa xỉ. Nếu ở Ý hay Pháp, nghệ sĩ phải tìm được các nhà bảo trợ như vua chúa, nhà thờ, hay quý tộc và giai cấp tư sản giàu có, thì mới có đặt hàng mà vẽ theo yêu cầu của họ, thì các họa sĩ Hà Lan (hầu hết) phải "chuyên môn hóa" để đánh vào "phân khúc thị trường" mới mong có thể bán được tranh. Trong thời kỳ vàng kim của Hà Lan vào thế kỷ 17 khi giao thương đem lại sự giàu sang vĩ đại cho đất nước bé nhỏ này, ngay cả một gia đình nông dân có thể mua được vài bức tranh - phong cảnh hay tĩnh vật, để treo trang trí trong nhà.

Và tình yêu của người nông dân, rõ ràng rồi, là đất đai.

Nhưng tôi nghĩ có lẽ những bức tranh này diễn tả tương đối chân thực miền quê Hà Lan. Bởi khi tôi mới tới đây, tôi thực sự ngỡ ngàng về sự kéo dài miên man tới thế của chân trời. Màu xanh trải dài ra mãi và nếu có một cái kính nhòm thì có thể nhìn xa xa nữa mà ko kết thúc ở đâu. Câu trả lời thật đơn giản: HL nằm ở vùng đồng bằng, siêu bằng phẳng. Tên tiếng Pháp của Hà Lan là Les Pays-Bas: Low Countries - những vùng đất thấp. Không có núi non gì cản trở tầm nhìn, và mắt thì cứ thế mà thả sức phóng ra xa. Chẳng trách mà trời chiếm tới 3/4 vùng nhìn, chẳng thế mà ruộng đồng tưởng như là vô tận. Mặc dù thực tế là từ nhiều thế kỷ trước, đất nước này đã bé tí, đông dân, và đa phần là thành thị.

Nhưng niềm tự hào về đất thì vẫn hoàn toàn đúng. Có một câu nói khá thú vị mà tôi mới đọc được thế này:
God created the world, but the Dutch created Holland
Chúa tạo nên thế giới, nhưng người HL tạo nên HL 
Cách đây 2000 năm vùng đất phía Tây và Tây Nam HL ngập nước biển, gồm các đảo nhỏ rải rác và các cồn cát. Sau bao nhiêu thế kỷ người dân HL đã lấn dần ra biển, đắp đê ngăn đập, đổ lại nước ra biển để xây dựng đồng bằng làm nông nghiệp nuôi sống mình. Những chiếc cối xay gió được đặt ở giáp biển để liên tục bơm nước. Hiện giờ những khu vực đông dân và sầm uất nhất, trung tâm kinh tế chính trị, đều nằm ở phía Tây và Tây Nam, bao gồm The Hague và Amsterdam. Sân bay quốc tế Schiphol với lượng khách đông thứ 4 châu Âu, thực tế là nằm dưới mực nước biển tới 3 mét. Thay đổi khi hậu và mực nước biển dâng cao, HL sẽ phải chịu thiệt hại khủng khiếp nếu như không có những biện pháp thủy lợi ngăn chặn.

Chống chọi và sống với nước là những gì đã diễn ra trong suốt lịch sử của HL bao lâu nay. Để xây dựng những công trình thủy lợi với tầm cỡ lớn như vậy đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả mọi người, và là một sự hợp tác liên tục trước sự biến động thường xuyên của thiên nhiên, ít nhất là cho tới những năm 60 của thế kỷ 20 khi nỗi lo về nước được phần nào giảm nhẹ bởi sự phát triển công nghệ hiện đại. Và có lẽ đây cũng chính là sự bắt nguồn của một loạt những điểm đặc trưng đầy thú vị khác trong văn hóa chính trị Hà Lan, đem lại hình ảnh đất nước mà chúng ta thường cho là đặc biệt tiến bộ, khoan dung, và cởi mở này.

(còn tiếp)

Phần 2

Comments

Popular Posts