Truyện cổ tích

Hai chữ "cổ tích" tự nó đã khiến ta mỉm cười. Tôi có thú vui mổ xẻ từ tiếng Việt, thế nên khi nhìn vào 2 chữ này, tôi nghĩ ngay: "cổ" thì rõ là xưa cổ rồi, "tích" tức là truyện - nhưng tự nó cũng mang theo hàm ý là cổ. Thế là tới 2 lần nhấn vào quá khứ. (Truyện cổ tích đã thế là còn thêm chữ "truyện", thế là thừa một chữ nhá.) Truyện còn thường bắt đầu với cụm từ "Ngày xửa ngày xưa." Chả hiểu trong tiếng Việt nó ra đời từ thuở nào. Chắc là được dịch ra từ tiếng Anh (Once upon a time) và tiếng Pháp (Il était une fois) nhỉ?

Tóm lại, đó là một sự lừa ngoạn mục. Bởi chúng ta, không hiểu từ lúc nào lớn lên, đã biết "cổ tích" và hiện thực khác xa nhau, và những câu chuyện ấy cho dù đã được người kể và viết truyện đá phăng vào quá khứ xa hết cỡ để làm cho chúng trông có phần đáng tin hơn, thì có lẽ vẫn không bao giờ xảy ra ở thực tại.

Có phải từ lúc biết chúng quá xa vời và mơ mộng, chúng ta bỏ rơi nó?
 





Tôi vẫn luôn mê đắm với truyện cổ tích. Hồi bé tôi không được mua nhiều sách truyện, vì chúng đắt quá. Thỉnh thoảng sinh nhật thì mẹ tôi dẫn ra hiệu sách mua cho một hai quyển truyện bé bé mỏng mỏng, to hơn bàn tay tí, giấy nhờ nhờ. Andersen, Grimm, truyện cổ thế giới, truyện cổ tích Việt Nam. Tôi say mê ngấu nghiễn chúng bẵng một lúc là xong, rồi thòm thèm mãi. Thế là phải đọc đi đọc lại không biết chán, đọc tới mức tôi nghĩ tôi thuộc được (nhưng bây giờ thì đố nhớ lại từng chi tiết được đấy). Tức cái, ngày xưa truyện xuất bản không có tổ chức. Quyển này trùng quyển kia loạn xì ngậu. Bây giờ tôi cũng chả hiểu mình đã đọc những truyện gì và cứ nghĩ mãi không hiểu bao giờ mới đọc hết.

Mẹ ơi nhưng nào có thể đọc hết được. Truyện cổ tích là một kho tàng khổng lồ và quá sức vĩ đại. Những câu chuyện đã được truyền miệng trong dân gian tự bao giờ có thế nào kiệt quệ. Và từ lúc truyện cổ tích đi vào văn học viết, khoảng thế kỷ 15-16 tới bây giờ, cả một nguồn dồi dào vô tận nữa đã được tạo thêm. Đúng vậy, tới bây giờ truyện cổ tích vẫn được viết và chúng ra đời liên tùng tục. Chỉ có mỗi tội là, tôi cứ hay cho rằng phải là truyện "cũ" từ ngày xưa mới được gọi là "cổ tích" thật. Tôi có biết quái đâu Andersen sống cách tôi có mỗi hai thế kỷ chứ mấy.

Thực tế là truyện cổ tích chỉ trở thành một dòng văn học cho thiếu nhi từ đầu thế kỷ 19. Trước đó, nó gặp phải nhiều cản trở và được cho là không phù hợp với đầu óc con trẻ, bị nhà thờ phê phán. Trẻ em, phải đọc và học những thứ thực tế, có tính hướng dẫn giáo dục về hành xử và các giá trị đạo đức. Truyện cổ tích, những câu chuyện "hoang đường," phi thực tế, ma thuật và bay bổng kia, chưa kể nhiều lúc còn dung tục, bạo lực, tàn ác nữa, rõ là không phù hợp. Truyện cổ Grimm, như nhiều người biết, đã bị cắt và lọc đi rất nhiều bởi chính hai anh em nhà Grimms để phù hợp hơn với đối tượng đọc mới này. Thế rồi truyện Andersen ra đời, những câu chuyện đầy tính nhân văn, hóm hỉnh, thêm một vài giá trị của thiên chúa giáo, được bao nhiêu người say mê đón đọc, cả trẻ em và người lớn. Dần dần truyện cổ tích được xây dựng với nhiều bài học đạo đức hơn cho phù hợp với việc giáo dục thiếu nhi.



Thế nhưng, xét ở một mức nào đó, truyện cổ tích vẫn luôn và mãi được đọc và say mê bởi người lớn. Thời trung cổ, người lớn sáng tạo ra và lưu truyền miệng nó. Từ TK15, cũng chính là người lớn đã đưa nó vào văn học chính thống và phát triển nó rực rỡ. Truyện cổ tích có lẽ phát triển đầu tiên ở Ý, vùng đất thương mại giàu có, sau đó là ở Pháp khi nước trở thành một cường quốc ở châu Âu, và sau đó mới tiến vào Đức. Ở tất cả những nơi này, cổ tích chẳng phải cho trẻ con. Nó phát triển mạnh mẽ vào TK 16 và 17, thời kỳ mà gần như cả châu Âu say mê những điều kỳ diệu. Từ thời trung cổ con người đã bị quyến rũ bởi những thứ bí ẩn và lạ kỳ, bởi những phép mầu và thánh vật. Thế rồi khi văn hóa phục hưng tiến đến, sự say mê ấy được nhân lên khi con người bắt đầu lục lại quá khứ và khám phá thấy vô số điều kỳ diệu từ những nền văn minh cổ đại. Sự phát triển của khoa học cũng đem đến chẳng kém những phát hiện gây kinh ngạc tồn tại trong chính thiên nhiên. Con người chu du tới các miền đất mới và choáng váng trước những điều mới lạ. Đặt trong môi trường ấy, có lẽ sự phát triển của truyện cổ tích không có gì quá bất thường. Sự phát triển của ngành in, dĩ nhiên, cũng là một yếu tố quan trọng.

Trớ trêu thay, xuất phát từ dân gian, nhưng khi đi vào văn học viết, cổ tích cũng dần rời xa dân gian. Giọng điệu lối kể chuyện vẫn cố giữ những nét của văn học nói, nhưng nội dung đã thay đổi nhiều. Ở Pháp, mặc dù chúng ta luôn nghĩ tới Charles Perrault là tiêu biểu cho tác giả chuyện cổ tích, thì thực ra có rất nhiều tác giả là phụ nữ quý tộc. Họ đưa vào cổ tích những nét văn hóa của giới thượng lưu, các lối sống, lễ nghi, các giá trị khác biệt. Dần vào cuối TK17, các câu chuyện này mới được sử dụng bởi các bà vú, cô bảo mẫu ở nhà quý tộc để dạy trẻ con về thứ văn hóa thượng lưu ấy. Thế rồi dần dà tới TK19 mới đến lượt những bà mẹ ngồi kể truyện cho con bên cạnh giường trước giờ đi ngủ.



Cổ tích có một mô típ, một cấu trúc nhất định mà các câu chuyện cần phải tuân theo. Nhân vật chính phải đối mặt với một tình huống éo le bất hạnh nào đó, thế là nvc phải lên đường ra đi tìm cách giải quyết. Thường là nvc sẽ phải đối mặt với các thử thách - họ sẽ gặp phải kẻ xấu xa, một bà/ông tiên phù trợ, hay là những con vật có năng lực kỳ diệu. Thế rồi sẽ có lúc nvc gặp chuyện không hay một biến cố nào đó, nhưng chỉ là tạm thời và rồi nvc lại vượt qua thành công và tiếp tục đi tiếp. Nvc nhận được các món quà, sự trợ lực mà thường là siêu nhiên và ma thuật, và thế rồi chiến thắng kẻ xấu. Cái kết hoặc là một đám cưới, hay một kho báu, sự sống còn, hay là tất cả các thứ trên. Và chắc chắn kết thúc cũng sẽ mơ hồ: hạnh phúc mãi mãi về sau.

Cấu trúc ấy lặp đi lặp lại, nhưng tôi cũng chẳng chán bao giờ, he he. Vì cấu trúc ấy đủ mềm dẻo để người kể chuyện có thể thêm thắt và thay đổi bất cứ yếu tố nào. Nhân vật và các tình tiết truyện vô cùng đa dạng và phong phú: một nàng công chúa xinh đẹp, đứa con út trong một gia đình nghèo, một tên ngốc hay bị cười nhạo, một mụ phù thủy độc ác, những yêu tinh nghịch ngợm, những tên quỷ lùn ngớ ngẩn tham lam, nhưng tên khổng lồ ngủ ngốc, những chàng hiệp sĩ hào hiệp, người nông dân thông minh láu lỉnh, v.v. Rồi thì bối cảnh có thể là một làng quê, một khu rừng bị ám, một tòa lâu đài bằng kính, hay một vương quốc bí ẩn. Càng về sau, các câu chuyện cổ tích càng được viết sáng tạo và tinh tế hơn. Nhưng bản chất thì vẫn là chuyện cổ tích! Có vô vàn những khả năng có thể xảy ra, và tôi háo hức đoán xem người kể chuyện sẽ hòa trộn những thứ gì.



Nhưng ta vẫn không quên đó là những câu chuyện kể bởi và kể cho người lớn. Có đầy những tình tiết đáng sợ và ghê rợn trong cổ tích mà giờ thì hẳn là trẻ con không được ngó tới. Và hiện giờ có lẽ sẽ có nhiều người phản đối cổ tích - nàng công chúa vô tích sự chỉ chờ được cứu, "hạnh phúc mãi mãi" là thứ không tồn tại, các tình huống có phần "dã man" và máu me, v.v. Cổ tích trải qua một thời gian dài phát triển và những câu chuyện xưa cũ được thêm thắt bởi hết người kể chuyện này tới người kể chuyện khác - mà đa phần là nam giới. Mỗi người kể chuyện lại đưa đẩy nó dưới một lăng kính mới và sáng tạo và truyền tải nó một cách khác nhau. Để giải mã hàng trăm năm giá trị của một số câu chuyện không phải là dễ dàng - có những yếu tố trái ngược cùng tồn tại, có vô số cách giải thích mà ta không bao giờ thỏa mãn.

Thế nhưng bất chấp những điều ấy, cổ tích vẫn tồn tại, vẫn được chấp nhận, và rồi được phát triển cho thiếu nhi. Bởi trên hết, cổ tích đem lại một niềm vui bất tận cho người đọc. Mặc cho những điều đáng sợ xảy ra, những bất hạnh và đen tối, kết thúc của cổ tích bao giờ cũng là sự chiến thắng hoàn cảnh, là sự vượt qua số phận và đạt được "hạnh phúc mãi mãi về sau." Cổ tích chan chứa những phép màu nhiệm, nó đem lại hi vọng cho người đọc và người nghe, nó là sự giải thoát khỏi thực tại, là ước mơ rằng con người nếu nắm bắt được cơ hội sẽ được trao cho sức mạnh và thay đổi thế giới. Cổ tích tạo nên một xã hội tưởng tượng, tồn tại không gắn liền với hiện thực. Sự bắt đầu và kết thúc của mỗi câu chuyện luôn mơ hồ, từ thuở nào không biết và kết thúc chi tiết kỳ thực thế nào không hay, chúng mang một tính chất vĩnh hằng nhất định. Cái kết dù mông lung vẫn khiến cho khán giả thỏa mãn, bởi họ muốn được giữ như vậy, tò mò về câu chuyện bí ẩn. Và chính vì thế, vào từ TK 19, 20 khi đời sống ngày một công nghiệp hóa, cổ tích càng được yêu mến bởi niềm vui mà nó mang lại từ những sáng tạo không ngờ. Và đó cũng là lý do mà xuất bản truyện cổ tích chẳng bao giờ gây lỗ vốn được, những câu chuyện dù có cũ tới mức nào vẫn luôn được đón nhận và đọc đi đọc lại.



Cổ tích hiện giờ có lẽ không còn được biết đến với cái tên là cổ tích. Nó đã thay đổi nhiều. Thể loại "fantasy" có lẽ là bắt nguồn từ cổ tích? Thế kỷ 20 với hai cuộc chiến tranh thế giới và rồi chiến tranh lạnh đã ít nhiều đem lại màu sắc chính trị cho thể loại này. Các câu chuyện dần là sự đấu đá tranh giành quyền lực ở những thế giới hoàn toàn cách biệt. Các câu chuyện cổ tích nổi tiếng cũ cũng được viết lại, sửa đổi lại nhiều vai trò của nữ quyền - điều mà trước đó bị văn hóa Disney biến trở thành ra "sexist," nó còn giải thích và biến "hạnh phúc mãi mãi" trở nên có phần nào thật hơn. Những mẩu chuyện mới tìm cách giải quyết những điều vô lý, gắn chúng lại với nhau cho hoàn chỉnh mượt mà, đưa vào nhiều lời nhắn gửi hàm ý, phân tích tâm lý nhân vật thay vì "steoretype" và diễn biến một chiều. Và dĩ nhiên, chúng vẫn lôi cuốn được hàng triệu con người...

Comments

Popular Posts