Hà Lan - Phần 2

Như đã nói ở phần trước, Hà Lan được biết đến là một nước rất... thoải mái. Bạn bè tôi cũng gạ ngay tôi lên Amsterdam nhớ đi qua phố đèn đỏ, và nếu được thì thử loại thuốc nào đó cho biết. Gớm, tôi nhát bỏ xừ, nhưng ừ thì cũng đúng? Kiếm đâu ra cái nước hợp pháp hóa mại dâm, hợp pháp hóa sử dụng thuốc phiện (dù là loại nhẹ), hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính (đầu tiên trên thế giới) như thế này?

Thật là lý tưởng. Hà Lan là một nước tư bản từ rất sớm, phát triển mạnh thế kỷ 16 và thì thăng hoa vào thế kỷ 17 nhờ thương mại buôn bán. Chiến tranh tôn giáo thất bại ở đâu, chứ ở Hà Lan thì nó đánh bật Tây Ban Nha và thế là Hà Lan bỗng trở thành một nước cộng hòa. Người ta cho rằng chính nhờ Calvinism mà kinh tế của Hà Lan mới càng đi lên, hay nói đúng hơn là cái tư tưởng khoan dung (tolerance) được áp dụng vào với tôn giáo và rồi thì mở rộng ra tới nhiều mặt của xã hội nên đất nước này mới thoáng, mới cởi mở thế. Một đất nước sẵn sàng chấp nhận các khác biệt, về tư tưởng, về giới tính, về văn hóa, về sắc tộc, v.v.

Có phải vậy?



Utrecht

Xét trên một phương diện nào đó thì rất đúng. Tôi khá ấn tượng với cách nói chuyện thẳng thắn của người HL (mà bây giờ tôi mới biết họ thậm chí bị cho là bất lịch sự). Và sự thật là các chính sách luật pháp của đất nước này cũng lồ lộ ra đấy. Không phải là tiến bộ quá đi?

Đúng, người HL không có nhiều thành kiến, họ sẵn sàng tiếp thu đón nhận ý tưởng mới. Họ rất tự hào với danh tiếng một đất nước cởi mở. Đúng, họ cho thấy đây là một đất nước thật mới "tự do" làm sao, và sự tự do ấy đem lại phồn vinh và phát triển cho xứ sở. Đó là nơi mà chúng ta dễ dàng tung hô là thiên đường của của chủ nghĩa tư bản, của thị trường tự do, của chế độ dân chủ.

Nhưng sự thoáng, sự cởi mở tôi nghĩ cũng chỉ có một chừng mực nào đó.

Phố đèn đỏ đã được thu hẹp lại nhiều. Số gam thuốc phiện được mang trên người hợp pháp cũng dần bị hạ xuống chỉ còn có tí ti. Các hiệu "coffeeshop" (bán thuốc phiện) hơi bị khó tìm. Hiện giờ, số dân theo đạo thiên chúa Chính thống thực ra là chiếm đại đa số, đâu có phải toàn là Calvinism đâu (mặc dù xã hội và nhất là giới trẻ đã bỏ mặc tôn giáo hơn nhiều so với trước kia).Vấn đề nhập cư cũng dần bị đặt vấn đề. Sau sự kiện 11/9, sự mau chóng lan tỏa của Hồi giáo trên đường phố HL khiến không ít người lo ngại. Cách đây vài năm có một nhà chính trị gia HL nổi tiếng về thái độ phản đối các chính sách nhập cư và đa văn hóa của ông trở nên cực kỳ được ủng hộ, và thế rồi ông đã bị ám sát (bắn bùm phát) làm chấn động cả đất nước vốn nổi tiếng khoan dung này.

Vâng, thế nên tôi cho rằng cởi mở cũng chỉ tới một mức độ. Nó không phải là một điều dễ dàng. Cho dù chúng ta nói, nó làm gì kệ nó, không liên quan tới mình, thì có một số giá trị quan trọng trong ta không thể bỏ ngơ mà cho bị chà đạp.



HL là một nước thành công tới vậy tôi nghĩ không phải nằm trong tính cách cực kỳ biết "khoan dung". Tôi cho rằng đó là nhờ tính thực dụng của họ. Như đã nói ở phần trước, lịch sử của HL được xây dựng trên một sự hợp tác nhằm chống lại sức ép từ nước. Những công trình thủy lợi từ rất xưa đã yêu cầu một nguồn nhân lực lớn tới từ mọi thành phần đông đảo trong xã hội. Để sống sót, để sinh tồn, con người phải biết thỏa hiệp. Có lẽ tao không đồng ý với tôn giáo của mày, nhưng sống với nhau cho ổn thì cứ đành vậy thôi. Nhưng cái sự bất đồng nó sẽ vẫn cứ tồn tại và tới một thời điểm nào đó sẽ có nguy cơ bộc phát ra. Thực sự có "thoáng" không thì không rõ, hay là "thoáng" tới mức nào, nhưng biết hợp tác thì có. Con người quá khác nhau, khác từ cái li ti nhất trở đi. Để cả xã hội cùng đi lên, thì thỏa hiệp là một điều mấu chốt.

Comments

Popular Posts