Toán và Kinh tế

Mục tiêu đã đặt nên khi nhận ra giờ đã là tối chủ nhật, tôi hùi hụi vứt đống toán vào một góc và mở máy tính lên.

Ối dời ơi, toán.

Chương trình học lên tiến sĩ của tôi đã bắt đầu được hai tháng, và hai tháng này tràn ngập những toán là toán. Dẫu đã được nghe cảnh cáo trước về mức độ sử dụng toán, tôi vẫn có phần hơi choáng ngợp. Chương trình của tôi chưa phải là chương trình dạng đầu bảng, vậy mà đã khó thế này. Tôi ngơ ngác chẳng có thời gian đọc truyện, đọc sách sử như xưa nữa. Cáu.

Đây cũng là một vấn đề càng ngày càng được tranh cãi gần đây về chuyên ngành kinh tế. Kinh tế từ khoảng những năm 40-50 cho tới đầu thế kỷ 21, và đặc biệt ở nước Mỹ, rất chuộng sử dụng toán. Thậm chí KT tự coi nó là một nhánh của toán học ứng dụng (applied math). Nói qua thế này về năm đầu tiên trong các ctrinh tiến sĩ (ở Mỹ). Tôi học bốn môn: vi mô, vĩ mô, thống kê, và toán lý thuyết. Thống kê bao gồm học probability & stats, xây dựng để dần dần chạy các mô hình kinh tế lượng, tức là rồi về sau sẽ sử dụng vào việc thu thập dữ liệu và so sánh nó với lý thuyết. Toán lý thuyết đi vào ngồi chứng minh và xây dựng các bổ đề nhằm áp dụng vào các mô hình trong vi mô cũng như vĩ mô. Ví dụ như bài toán tính min, tính max. Vi mô thì chắc nhiều người dễ hiểu hơn, học về việc sản xuất của doanh nghiệp, các quyết định liên quan tới số lượng đầu vào và đầu ra, bài toán làm tăng tối đa lợi nhuận, giảm thiểu chi phí, v.v., hay là học về quyết định của người tiêu dùng - làm thế nào để hưởng thụ tối đa mà khả thi trong một mức thu nhập cụ thể. Vĩ mô thì bay bướm hơn, vay mượn của bên kĩ thuật (engineering), làm về dynamic progamming nhằm tìm hiểu một số hiện tượng kinh tế thay đổi theo thời gian, vấn đề phát triển, đầu tư, lãi suất, v.v.




Câu hỏi đặt ra: Liệu đây có phải là cách duy nhất học kinh tế?

Chương trình học kinh tế ở bậc đại học, dĩ nhiên là đơn giản hơn nhiều, nhưng hoàn toàn dựa vào nền tảng là toán học như vậy. Những đồ thị đơn giản cung và cầu được xây dựng cực kỳ mất thời gian và cẩn thận trong vi mô. Nói thế để cho chúng ta nhận ra phương pháp nghiên cứu kinh tế theo kiểu toán này phổ biến như thế nào. Tôi chắc chắn nếu bạn có từng học thử một lớp kinh tế ở đại học, dù ở nước nào, cũng đa phần là dựa trên phương pháp này.



Nhưng, thực sự có nên chỉ như vậy?

Năm 2013, Thomas Piketty, một nhà kinh tế học người Pháp cho ra đời một cuốn sách có tên là "Capital in the 21st century," một cuốn sách rất được đón nhận. Đầu năm 2014, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh và cho xuất bản ở Mỹ, được nhiều nhà kinh tế nổi danh trong ngành ủng hộ và ca ngợi, lọt vào danh sách Best seller của New York Times. Vậy nhưng giáo sư tại các khoa KT đều rất dè dặt khi đưa ra nhận định của họ về cuốn sách. Thông thường họ lờ nó đi luôn.



Có nhiều lý do. Thứ nhất Piketty bàn về vấn đề bất bình đẳng, một vấn đề rất nhạy cảm về mặt chính trị. Thứ hai, có một số thứ chẳng bao giờ có lời đáp, đây là một vấn đề như vậy. Và thứ ba, điều mà tôi muốn bàn tới hiện giờ, Piketty bàn về kinh tế bằng phương pháp rất khác cách mà các nhà kinh tế đang sử dụng trong những tờ journal nổi tiếng nhất.

Piketty làm gì? Nếu là một nhà kinh tế học, người đó sẽ rất choáng váng khi thấy trong cuốn sách các ví dụ từ trong văn học của Jane Austen hay Balzac được đưa ra để bảo vệ luận điểm. Sẽ càng ngạc nhiên hơn khi thấy Piketty chẳng thiết lập một mô hình toán khủng bố nào mà sử dụng duy nhất có hai phương trình tương đối dễ hiểu. Tôi không có ý nói phương pháp của Piketty là hoàn toàn vượt trội so với cách sử dụng toán thông thường. Nhưng thực sự là ông đã giúp làm cho nhiều người hơn biết tới một trong những cách nghiên cứu KT khác không kém phần hiệu quả ngoài toán.



Ở trong ngành KT được chia ra làm 2 phe thế này: mainstream/orthodox/neo-classical - chính thống, vs heterodox - không chính thống. KT chính thống là phe sử dụng toán với cường độ lớn mà ta thường thấy và đã quá quen thuộc, trong khi KT không chính thống bao gồm rất nhiều phương pháp: marxism, feminist, socialist, institutional (chả biết dịch ra như thế nào). Nói dễ hiểu thì nếu đọc KT không chính thống, bạn sẽ thấy nó giống một quyển sách khoa học xã hội/nhân văn hơn, khi mà người viết sẽ bàn về các vấn đề không thể nào số hóa như chính trị, văn hóa, lịch sử, có phần... "người" hơn, và cũng có thể nói là đa dạng toàn diện hơn.

 Ngay cái tên thôi cũng đủ làm cho chúng ta tạm hiểu phần thắng đang nghiêng về phe nào. Các nhà KT không chính thống vật vã đấu tranh nhưng không được lắng nghe. Mãi cho tới 1, 2 năm gần đây. (Mà thực ra tôi cũng không chắc lắm. Có thể gần đây tôi đọc nhiều hơn về vấn đề này nên cảm thấy thế, mà cũng có thể sự việc có chuyển biến tích cực hơn thật.) Có vẻ như càng ngày càng thêm nhiều nhà KT lên tiếng về vấn đề dạy, học và nghiên cứu trong bộ môn, về hệ phương pháp được sử dụng. Không phải phần đông, nhưng trong số họ có những cái tên rất có tiếng nói và sức nặng. Dĩ nhiên đây là một cuộc chiến đấu trường kỳ.




Tôi đang đọc cuốn sách của Piketty và tham gia vào một series cuộc thảo luận do bên khoa Văn học và Triết học tổ chức. Chẹp. Chỉ có mình tôi từ khoa KT tham gia. Nhìn chung các bạn bên khoa học xã hội và nhân văn phân tích cuốn sách rất sâu sắc và cẩn thận. Nhưng nói thực tôi thấy họ khá thiếu kiên nhẫn với việc sự dụng toán và đồ thị rất đơn giản của Piketty. (He he, họ mà thấy cái đống tôi đang học chắc sẽ khóc thét.) Piketty bỏ rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu, phân tích chúng (khá cơ bản), và giải thích thật ngắn gọn. Nhưng tác giả hoãn việc đưa ra các nhận định có phần đòi hỏi lý luận phức tạp (về đạo đức, nhân quyền, xã hội, v.v.) cho tới gần cuối sách. Là một người có background về KT, tôi thấy điều này khá bình thường. Tác giả đang muốn xây dựng các facts cơ bản nhất, và sau đó giải thích chúng sau. Nhưng phương pháp trong ngành khác không nhất thiết vậy. Các bạn khác kêu la phản đối đòi Piketty đi sâu hơn sâu hơn nữa, phân tích nhiều về mặt giới tính hơn chẳng hạn (chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ, lấy ví dụ), hay về mặt sắc tộc (nô lệ ở Mỹ vào tk 18, hay chênh lệch thu nhập giữa dân da đen và da trắng). Các bạn nói đâu nhất thiết phải có dữ liệu hoàn chỉnh, đưa ra vài ví dụ và phân tích nó tới mức nào được thì được. Các bạn nói việc sử dụng toán và hệ thống hóa kiến thức như vậy là không phải quan trọng, nhiều khi là thừa thãi (!?).

Cái này không ổn. Ủng hộ việc sử dụng đa phương pháp trong KT không có nghĩa là ta hoàn toàn phủ định sức mạnh của toán. Tôi nghĩ ở một mức nhất định, toán cực kỳ hiệu quả. Đơn giản nhất là việc vẽ đồ thị và xem xu hướng. Hay là thống kê cũng giúp chúng ta mổ xẻ hiện tượng rõ ràng hơn rất nhiều, v.v. Toán làm đơn giản hóa, làm cho nhiều hiện tượng trở nên gãy gọn. Mà thú thực, đôi lúc tôi thấy một mô hình kinh tế sử dụng toán rồi có được những kết quả thật rất đẹp và rất "elegant." Nhưng dĩ nhiên, lạm dụng nó cũng chính là quên đi hiện thực, mà hiện thực bao giờ cũng đa chiều, cũng phức tạp, cũng không có đáp án. Có người hỏi thế này: "Is the elegance worth it?"

Thế nên mới cần đa phương pháp, bởi vì chẳng có phương pháp nào duy nhất nó là hoàn chỉnh. Nhưng để khi nào mà KT không còn bị chia ra làm chính thống và không chính thống, thật là khó nói. Hoàn cảnh của KT không chính thống nhìn thiếu triển vọng tới nỗi, các bạn biết đấy, tôi đành đi đăng ký học bên chính thống. Thôi thì ta đánh từ bên trong ra. Giáo sư của tôi có kể một câu chuyện về một bác giáo sư khác trong KT học chính thống, viết đủ các nghiên cứu, làm đủ trò "chính thống" để chui vào được biên chế (tenure), thế rồi mới bùng nổ, mới bắt đầu đưa vào nghiên cứu của mình những phương pháp mới mẻ và đa dạng hơn. Các nhân vật khác trong khoa điên tiết lắm, he he, nhưng biết làm thế nào.

Ôi dời, còn xa lắm. Giờ thì, nào thì lại toán.

Comments

Popular Posts