Cái mới - cái cũ

Hôm nay lười nên ngồi lướt fb tí, thấy một bạn đăng bài viết về việc Starbucks vào Việt Nam, cảm thán về việc một chuỗi cửa hàng cà phê Tây vào một đất nước giàu văn hóa truyền thống về cà phê như thế, kiểu đại loại than thở các bạn trẻ không biết hưởng thụ cà phê "đúng" và "chất." Hôm trước thì có đứa bạn bức xúc giữ dội về việc tiếng Việt bị lai tạp, chê bai nhiều người trẻ cứ thích đệm các từ tiếng Anh nhiều khi không cần thiết vào câu văn, câu nói.
 

Ngày xưa tôi cũng hay có những phản ứng như thế. Cái này tôi gọi là hoài niệm. Hoài niệm dựa trên cái gì? Dĩ nhiên hoài niệm có dựa trên sự thật, nhưng cũng có nhiều lúc nó đã được tô điểm một phần bởi trí tưởng tượng của chúng ta. Những thứ không có được thường đẹp. Cũng giống như việc chúng ta hay tưởng tượng tới một thế giới hoàn mỹ: "Mình rất hợp với nước Nhật," "mình phải đến châu Âu," "Hà Nội vẫn là hay nhất." Trong phim "Midnight in Paris" của Woody Allen, Gil mơ mãi tới thập niên 20s, còn Adriana lại chỉ thấy 1890s đẹp. Khoảng thời gian các hãng sách lớn xây dựng các trung tâm lớn bị những hiệu sách địa phương phản ứng lại mạnh mẽ (ở Mỹ), thế rồi giờ thì các hãng sách lớn này lại căm thù ra mặt với ebook và Amazon (câu chuyện Amazon rất phức tạp, đại loại chúng ta tạm thời "stereotype" thế - tôi chả biết dịch từ này như thế nào, các bạn đừng chê tôi). Hay như Christopher Nolan không bao giờ chịu dùng GI, ông chỉ thích đi quay ngoại cảnh chỗ thật việc thật, không phông màn xanh xiếc gì sất. Còn lắm các ví dụ mà tôi chả nhớ hết. Từ từ, bạn sẽ giật mình nhận ra còn nhiều việc như thế lắm.





Hoài niệm có khi lại thành chấp niệm. Chúng ta khăng khăng giữ lấy những thứ xưa cũ, đánh bóng nó lên, thấy nó đẹp ghê gớm, tha thiết muốn quay lại với nó và thấy thực tại mới nhàm chán làm sao. Đơn giản nhất thế này, không ít người ca thán sự "tây hóa", cái mất đi bản sắc phương Đông trong xã hội ngày nay.

Nhưng xã hội thì thay đổi liên tục và cái gọi là văn hóa thì liên tùng tục.Tôi nhớ đọc trong một cuốn sách của Ha Joon Chang (một giáo sư kinh tế ở Cambridge) thì cực kỳ sững sờ khi biết: Nhật Bản cuối thế kỷ 19 bị các nước phương Tây chê bai là lũ lười nhất thế giới. Và họ kêu sự lười này là nguyên nhân của sự kém phát triển của Nhật (thật nực cười, câu chuyện giống với Hy Lạp hay Ý bị kêu bây giờ thế không biết). Ha Joon Chang nhận xét thế này: văn hóa là một thứ liên tục biến chuyển cùng với điều kiện kinh tế, chính trị, lịch sử trong xã hội. Nó và chỉ riêng nó không thể là nguyên nhân giải thích sự phát triển kinh tế (nói ngoài lề tí)

Nhưng ta vẫn tin vào sự tồn tại của một cái gọi là tính cố định, tính bất biến, cái lõi của một nền văn hóa. Suy cho cùng đó là thứ để một tập thể bám vào, đó là cái "đặc tính", là cái identity cần thiết. Nhưng con người trong 80 năm cuộc đời đâu phải chỉ là một người. Tôi của 4 năm trước không phải là tôi của ngày hôm nay.

Tôi đang đọc cuốn "Birth of Vietnam" của Keith Weller Taylor về lịch sử Việt Nam từ trước thời Bắc thuộc cho tới khoảng thời Đinh Bộ Lĩnh. Có bản dịch tiếng Việt ở đây - tạp chí da màu, nhưng tiếc là không dịch hết. Chắc chắn cuốn sách có nhiều vấn đề vì tác giả không làm việc trực tiếp với chữ Hán và chữ Nôm. Tóm lại là nhiều lỗi, tôi không phải chuyên gia nên cũng không rõ. Thế nhưng có một điều tôi thấy rất thú vị rút ra được từ vài chương đầu của cuốn sách, cũng như trong một cuốn khác mới ra năm ngoái của Taylor, "A history of the Vietnamese," đó là tác giả chỉ ra một điều: cái tính chất "Việt Nam" là một thứ liên tục thay đổi trong thời gian dựa trên những biến chuyển của lịch sử, cũng là một thứ được chủ lực tạo ra, chứ chẳng phải là một khái niệm mơ hồ tự nhiên mà tồn tại. Tác giả tranh luận rằng nhiều nhà sử học Việt Nam (tôi đảm bảo nhiều nhà sử học của tất cả các nước trên thế giới) xây dựng một "identity" cho "người Việt" và coi nó là tồn tại từ rất rất lâu rồi, từ thời Văn Lang, từ văn minh Đông Sơn. Một nghìn năm Bắc thuộc chỉ là tạm thời gây rối rắm, rồi Việt Nam lại quay trở lại với cái gốc, cái nền của nó. Bao nhiêu xâm lăng, ngoại lực dồn lên nhưng ta vẫn là ta.

Mà có phải thế? Một nghìn năm Bắc thuộc, có cái gì có thể nói Việt Nam vẫn là Việt Nam sau nghìn năm dưới văn minh rực rỡ nhất thế giới là Trung Hoa thời ấy? Tôi không nói chúng ta là dân Tàu, vì giữa dân ở vùng Giao Chỉ và vùng trung tâm Trung Hoa là có sự khác nhau, nhưng điều này đúng với giữa các vùng đất, chứ chẳng riêng gì các quốc gia. Nhưng chúng ta có phải còn nguyên là dân Văn lang thì không biết nữa. Những có cái gọi là "Việt Nam" ngay từ thuở ấy rồi cũng không chắc. Chẳng phải ta dần chiếm các vùng đất phía Nam của Lâm Ấp rồi Khmer vốn có riếng văn hóa của họ hay sao? Có đúng tất cả người Việt Nam giống nhau đều có chung một đặc tính? Việt Nam còn biến chuyển mạnh mẽ hơn nữa từ thế kỷ 19 tới nay. Đọc "Tuấn, người con đất Việt", tôi mới phần nào hiểu khi Pháp bắt đầu đô hộ, nỗi đau đớn mới lớn làm sao khi phải cắt đi búi tóc dài mà cha mẹ sinh ra, mới hiểu những khó khăn và rung động của cả một chế độ khi dần chuyển một nền Hán học Nho học gần nghìn năm như thế sang chữ quốc ngữ, sang học toán, học tiếng ngoại quốc. (Trung Quốc cũng thế, khi nhà nước quyết định cải cách dùng chữ giản thể gặp không ít vấn đề). Chẳng cần phải nói nhiều, 2 cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ 20 chắc chắn đã thay đổi dân tộc này nhiều lắm.


Cái này cũng đúng với nước Mỹ, he he. Nếu quay lại bài viết trước các bạn sẽ cảm nhận được chút sự liên hệ của tôi. Mà nước nào cũng thế, cộng đồng nào cũng thế. Ta hoài niệm về một thời đã qua. Ta tưởng tượng có thứ "identity" nghiễm nhiên tồn tại và bất biến bằng cách tạo nên quá khứ và vịn vào nó để giải thích. Hoài niệm dễ lắm, vì ta chỉ nhớ tới cái đẹp. Cái xấu thì vứt tất. Còn khi đối mặt với thực tại thì ngược lại, xấu thì móc ra cho bằng hết, và mới bi quan với cái đẹp làm sao. Và thay đổi thường có cái giá của nó.



Việt Nam mới uống cà phê chắc khoảng đầu thế kỷ 20, vì tới cuối tk 19 Pháp mới bắt đầu xây dựng các đồn điền. Mà uống được cà phê là dân nào, có phải toàn dân uống được đâu. Đấy cũng là thú vui của giới trí thức, giới tiểu tư sản, chứ các cụ nhà tôi vẫn thích uống chè xanh. Xã hội biến chuyển và cái thú cũng dần chuyển đổi. Thích ăn đồ ăn nhanh cũng có làm sao (có, hại sức khỏe đấy nhé). Thích thời trang ngoại, đồ ngoại thì cũng có làm sao. Tôi chỉ thấy con người cần được tự do.

Tiếng Việt đã bao giờ được viết được nói cho thật ngay ngắn? Ngày xưa khi học tiếng Anh tôi luôn cảm thấy có phần ghen tị vì cấu trúc ngữ pháp của nó sắp xếp cũng khá trật tự (dĩ nhiên so với tiếng Đức thì thua xa, tiếng Anh cũng bị phàn nàn vì quá lai tạp, nhiều người nói mà lại). Các bạn chỉ nhìn bài viết này thôi và có chắc rằng mỗi câu của tôi là đủ chủ đủ vị? Thú thật là thích lúc nào thì tôi chấm ở đấy. Ờ!

Nói thế không có nghĩa là tôi hoàn toàn ủng hộ sự thêm nếm tiếng Anh vào tiếng Việt. Nhiều lúc nghe nói chuyện kiểu thế hơi đau tai một tí. Ta cần tôn trọng mỗi ngôn ngữ (và vì thế đọc blog của tôi chắc các bạn thấy lủng củng vì nhiều khi tôi nghĩ bằng tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt rất ẩu.) Nhưng các thứ tiếng vẫn luôn thu thập những tiếng ngoại lai vào. Ngày xưa học tiếng Nhật tôi thấy rất buồn cười vì lắm từ tiếng Anh được Nhật hóa quá, nhưng rồi dần quen. Tiếng Việt sẽ có biến chuyển và cần phải có biến chuyển. Nhưng đó là một quá trình dài. Ta vẫn đang chập chững bước và khi nào thành hình hẳn chưa rõ. Mà có khi tiếng nó mãi cứ thế, cứ tạp nham như thế, cũng là một cái "cá tính" hay?

Hay có khi là ta ca thán về thời đại thông tin, khi mà con người chỉ dính vào máy tính, vào điện thoại thông minh và quên mất xã hội ngoài đời. Tôi vẫn nghĩ bản thân những công cụ ấy không có sai, vấn đề là ta sử dụng như thế nào. Chúng ta chiến đấu với sự thay đổi, thỏa hiệp với nó, yêu cầu nó phải cải thiện. Mà xét ở một khía cạnh nào đó, sự thay đổi không có nghĩa là cải thiện. Đó là thay đổi một lối sông, là sự biến chuyển trong cả một nền nhận thức. Có cái dở, với những người còn hoài niệm, mà lại có cái hay, với những thế hệ sau. Thế hệ sau sẽ có cả một nền công nghệ mới và quen với cách sống ấy, sẽ không biết cái đài ăng ten là gì, sẽ không cần dùng điều khiển ti vi, sẽ gọi điện với nhau chỉ bằng một cái chớp mắt, nhưng cũng sẽ chạy bộ liên tục ngoài đường và biết nhịp tim với huyết áp với calo ra sao rồi. Có gì sai?


Chẳng có nấc thang rõ ràng nào để đong đếm chất lượng cuộc sống ở hai thời đại khác nhau. Đã là chất lượng thì nó rất chủ quan. Giáo sư của tôi chắc sẽ kịch liệt phản đối: thời đại này ít đói nghèo hơn, ít chiến tranh hơn, trẻ em được sống lâu hơn, bà mẹ sinh con an toàn hơn, etc. Nhưng tôi vẫn nghĩ mỗi thời có cái đẹp và xấu của nó. Quá khứ chẳng diệu kỳ tới thế, mà hiện tại cũng đầy vấn đề. Cái nhìn này với nhiều người có lẽ là bi quan, nhưng nếu bạn xoay cách hành văn đi một tí, bạn sẽ thấy tôi thực tế lạc quan đấy chứ. Quá khứ cũng đẹp mà hiện tại cũng đẹp, mà tương lai cũng sẽ đẹp. Con người sợ thay đổi, nhưng sợ sẽ chẳng cản được nó. Chi bằng đón nhận, đối mặt, thách thức, yêu cầu và bắt tay vào cải thiện nó thay vì phàn nàn và kêu ca. Và ta cần phải mở lòng, rồi sẽ thấy và nhìn ra cái đẹp và yêu lấy nó. Mà thực ra phải lạc quan thôi, không thì sống làm gì, he he.

Mà luật sinh tồn là: không thay đổi, thì chết.

Comments

Post a Comment

Popular Posts