Chiến tranh và hòa bình

Gần như một câu hỏi luôn được đề ra sau mỗi bài học lịch sử về chiến tranh:

"Được và mất?"

Được và mất về mặt kinh tế và về nhân sinh là dễ thấy nhất. Nhưng tôi thấy một điểm hay nhất của mỗi cuộc chiến là cái không khí cộng đồng, một cái identity rõ ràng, một tình ái quốc được đẩy lên, nhân lên gấp bội. Trong khi trước đấy có lẽ là chả có gì.




Lấy ví dụ, cuộc chiến tranh 100 năm giữa Anh và Pháp trong thế kỷ 13-14 nổi tiếng là đã "đoàn tụ" nước Pháp. Nếu như trước đó Pháp là một lãnh thổ chia cắt nhỏ lẻ mà quyền lực thực nằm trong tay các bá tước là chính chứ không phải là vua nước Pháp, thì sau cuộc chiến ấy nước Pháp biến trở thành một nhà nước tập quyền. Điều này không chỉ có nghĩa là vua nước Pháp lúc này quản lý nhiều đất đai hơn, nhiều thành phần trung thành với nhà vua hơn, mà còn có nghĩa là có nhiều người tự nhân mình là một người Pháp, thay vì là một người Normandy, Aquitaine, hay Brittany. Điều này chuẩn bị cho Pháp trở thành một trong những nhà nước tập quyền nhất châu Âu sau này, mà được các nhà sử gia cho là đỉnh cao vào thế kỷ 17 dưới quyền Louis 14. Lúc này thì thực sự chả phải là "một trong những" mà chính là tập quyền nhất ấy chứ.

Source: Wiki
Nhưng ở trên toàn nước Pháp, không phải đâu đâu cũng là một tính chất Pháp. Ngày xưa như thế và bây giờ vẫn thế. Bạn nghĩ ở Pháp người ta sử dụng ngôn ngữ gì? À, ngoài tiếng Pháp đếm sơ qua có khoảng 30 tiếng bản địa khác. Một nhánh lớn bao gồm nhiều nhánh nhỏ khác khá nổi tiếng mà chắc có người từng nghe qua là tiếng Occitan. Nhưng hình ảnh về nước Pháp là một đất nước đoàn kết có lẽ vẫn rất ấn tượng trong ta. Vive la France.


Đây là một bài học lúc đầu rất mới lạ đối với tôi. Tôi nghĩ về nước Tàu và lúc đầu ngỡ tưởng sau vài nghìn năm thế thì sự đồng hóa về văn hóa là rất lớn. Kể ra thì nhà nước cộng sản đóng vai trò rất lớn trong việc thực sự đồng hóa này. Ví dụ như là về ngôn ngữ. Ai chả biết Tàu có tiếng Mandarin và Cantonese,  có các khu vực có thứ tiếng riêng và được chính quyền hỗ trợ, ví dụ như tiếng Tây Tạng hay tiếng ở Nội Mông Cổ. Thế nhưng tôi wiki thì có khoảng gần 300 ngôn ngữ vẫn đang được nói ở Tàu. Dĩ nhiên là có nhiều dân tộc thiểu số và dần sau này chắc những ngôn ngữ này sẽ không còn tồn tại, nhưng điều này là một ví dụ cho thấy sự đa dạng trong văn hóa ít nhất vẫn còn tồn tại và chưa mất đi ở xứ sở này.

Source: Wiki

(À quái, đang nói về chiến tranh và hòa bình sao lại dần chuyển sang nói về ngôn ngữ nhỉ.)

Vâng bài học cho tôi là thế này, vì tôi sinh ra và lớn lên ở thủ đô, cái nơi mà người ta gọi là một trong những trung tâm văn hóa chính trị: Sự trung tâm của nó khiến cho người sống trong đó không biết điều ngó ra ngoài và thấy các vì sao xa cũng rất đẹp và rất khác. Sự coi mình là cái rốn trong vũ trụ làm hạn hẹp lại tầm nhìn về sự đa dạng và phức tạp của văn hóa, của cộng đồng, xã hội. Khi học về nước Pháp ta biết về vài địa danh "chính," về tiếng Pháp là ngôn ngữ "chính," về các sự kiện lịch sử "chính" xảy ra với quốc gia này. Nhưng còn bao nhiêu cái phụ? Đúng với cả nước Tàu, cả nước Việt.

Việc tổng quát hóa, stereotype một quốc gia và những người sống trong quốc gia ấy thành một dân tộc chung, là một việc tương đối hiệu quả. Thông tin tổng kết lại ngắn gọn, thế là xong, vứt dự trữ vào một ngăn riêng trong bộ não. Nhưng để hiểu sâu cuộc đời này, nếu ta có hứng thú, thì phải dỡ bỏ cái stereotype ấy đi. Dỡ đi rồi sẽ có lúc bạn giống tôi hiện giờ. Có lẽ cũng là một cái stereotype, nhưng càng ngày tôi càng thấy con người ở đâu cũng giống nhau. Vâng, ở đâu họ cũng cố tạo nên một cái identity cho mình, ở đâu thì họ cũng bị lịch sử và quá khứ chi phối phần nào trong mặt nhận thức quan điểm xã hội và điều này tạo nên sự khác biệt giữa con người ở các vùng đất khác nhau. Nhưng trong cái nôi ấy, trong cái môi trường ấy có vô số cách phát triển và thay đổi. Giống nhau là ở chỗ ở đâu cũng có những người cực đoan, có những người bảo thủ và tân tiến, ở đâu cũng có những người phá bỏ rào cản và tìm thấy tiếng nói chung, và có những người thì không chịu chấp nhận điều ấy. Thế nên thú thực, có lẽ bạn sẽ thấy ghét tôi, vì tôi thấy người Tàu chẳng có gì đáng ghét, tôi thấy người Tây chẳng có gì tuyệt vời hơn người Á. Chúng ta giống nhau cả thôi. Đều người cả.


Quay lại với chiến tranh và hòa bình. Vụ tấn công Charlie Hebdo vừa rồi ở Pháp, một cuộc tấn công vũ trang, đã dấy lên một tình thần đoàn kết mới. Nếu như trước kia chiến tranh chỉ diễn ra ở các nước khu vực châu Phi và trung Á, và có lẽ khoảng cách làm phương Tây không thực sự có cảm xúc gì, thì giờ chiến trận đã được đem tới gần với họ hơn: Pháp, Úc, Canada. Xung đột một lần nữa làm cho người ta thích steoreotype và tạo nên những giới hạn để phân rõ "chúng ta" và "chúng nó." Chúng ta là "phương Tây" là phát triển, là tân tiến, là tự do, còn "chúng nó" là Hồi giáo, là kích động, là tàn nhẫn, là vô nhân tính.

Stereotype là rất dễ, nhưng phá bỏ nó thì rất khó. Tôi đã học về những cuộc thánh chiến vào thế kỷ 10-12 khi châu Âu tấn công Jerusalem. Nội dung chính thì lằng nhằng nhưng khi học về văn hóa Hồi giáo thì tôi thấy nó cũng giống Thiên chúa cả. Có những cái rất đẹp, rất đang trân trọng, có những thành tựu vĩ đại mà ngày ấy châu Âu chạy xa cho tới tận thế kỷ 17, và chắc sẽ hoàn toàn thua xa văn hóa Hồi giáo nếu như không có sự phát triển thủy quân vào thế kỷ 18. Và cũng giống như thiên chúa giáo, có vô số điểm bất đồng trong kinh, có vô số lời dạy của chúa mà người ta chẳng biết thực sự phải áp dụng như thế nào, có vô số những thành phần mà con người có thể lợi dụng nó, hiểu theo những nghĩa khác nhau, phát triển cho những mục đích khác nhau. Jihad không có trong kinh Qu'ran.


Có một quyển sách rất hay của Guy Gavriel Kay tên là "The Lions of Al-Rassan" thuộc thể loại historical fantasy. Cuốn sách là sự hòa hợp giữa trí tưởng tượng của Kay và lịch sử về Tây Ban Nha thời trung cổ, một thời rất xưa khi trên vùng đất này Hồi giáo ngự trị và phát triển rực rỡ. Khi xóa đi cái tên Tây Ban Nha và thay vào đó là một cái tên xa lạ một vùng đất mới với những con người mới, trớ trêu thay, người đọc mới thực sự tạm thời bỏ đi được cái định kiến về thiên chúa giáo, về hồi giáo, về do thái giáo, và nhìn lại những con người này những nền văn hóa này bằng một lăng kính mới. (Hay chỉ có tôi mới thế vì tôi nằm ngoài cả ba tôn giáo ấy?) Đến lúc ấy ta mới biết ta là ai, ta mới thấy con người ta đẹp - và xấu, bất kể tôn giáo, tuổi tác, giới tính.


Comments

Popular Posts